Biết tin bé gái trần truồng bò lê giữa trời lạnh ở vùng cao Thanh Hoá, chị Phương ngay lập tức cùng chồng từ Sài Gòn ra đón về nuôi.
Ngày 22/12 vừa qua, một tài xế Hà Nội chở hàng qua Mường Lát (Thanh Hóa) vô tình bắt gặp hình ảnh bé gái nhỏ xíu trần truồng, một mình chơi đùa với đất cát giữa trời lạnh nên dừng lại cho một quả cam và quay clip đăng lên trang cá nhân, kèm lời kêu gọi ai đó cho bé một đôi chân để đi. Ngay lập tức, đoạn clip nhận được hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận thể hiện sự đồng cảm, xót xa.
Ở cách xa cả nghìn cây số, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (sinh năm 1987) và anh Huỳnh Quốc Tín đang có một gia đình hạnh phúc với hai con 4 và 2 tuổi, cùng một công ty thiết kế thời trang ở quận 7, TP HCM. Chị Phương đang mang thai lần ba mới hơn hai tháng. Hai vợ chồng tính cuối năm 2017 sẽ đổi chiếc tivi đời mới, ôtô đắt tiền để đi làm.
Cô bé Pàng khi được người lái xe ghi lại trong tình cảnh không mặc gì giữa trời đông giá vùng cao Thanh Hoá (trái) và nụ cười xinh xắn khi đã về sống trong vòng tay gia đình chị Phương (phải). Ảnh: NVCC. |
Tối hôm đó, chị Phương vào facebook xem được đoạn clip. Nhìn đứa trẻ, chị nghĩ đến các con mình, ngày nào cũng sống trong chăn ấm nệm êm, quần áo đầy đủ, đồ ăn không hết, trầy chân tay một tí là bố mẹ thương đứt ruột. Vậy mà, bé gái nọ sinh ra đã không lành lặn còn phải chịu cảnh thiệt thòi quá. “Tội nghiệp bé quá. Không biết cha mẹ đâu mà để con cái như vậy”, chị đặt nghi vấn.
Tìm hiểu thông tin, chị biết được bé gái tên Pàng, 6 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo, cha mất hơn một năm trước, mẹ bị bệnh tâm thần. Nhà có bốn anh chị em, ba bé kia khỏe mạnh, khuôn mặt sáng sủa. Còn Pàng bị tật hai chân, phải lết từng chút một bằng đầu gối và tay. Chị Dợ (40 tuổi, mẹ Pàng), cứ thấy ai mặc đồ cho con gái là lột sạch, vì thế, ngày nào em cũng trần truồng, dù trời mưa, nắng hay mùa đông lạnh giá. “Thương bé quá, không được mẹ bao bọc nên phải tự biên tự diễn để sinh tồn!”, chị Phương nghĩ mình cần phải giúp bé có đôi chân lành lặn.
Được chồng hứa sẽ nghỉ làm hai ngày đưa đến thăm Pàng, chị Phương vui lắm. Họ bay ra Hà Nội ngay, rồi chưa mờ sáng đã bắt xe vào Mường Lát. Chị Phương đinh ninh quãng đường hơn 100km chắc chỉ đi khoảng 2-3 giờ là tới nên nhanh chóng chuẩn bị hành lý, cho đến khi, ngồi trên xe taxi từ sáng sớm đến 7 giờ tối, trên đoạn đường đèo núi lầy lội, người mệt nhoài, bụng bảo dạ có khi hai vợ chồng bị giết vì đi cùng người lạ trên đường vắng. Nhưng nghĩ đến bé Pàng đang trần truồng giữa trời lạnh, người mẹ ấy lại thêm quyết tâm.
“Đến nơi, nhìn đứa trẻ 6 tuổi, người nhỏ xíu chưa đến 10kg, không quần áo, mặt mũi lấm lem, chân tay chai sạn, dính đầy đất cát đang lết theo bạn đi chơi, thấy người từ xa đã nhoẻn miệng cười, tôi như đứt từng khúc ruột, lạnh sống gáy, nước mắt rơi”, chị Phương nhớ lại. Cảm xúc ấy dâng trào hơn khi chị bước vào căn nhà rách nát chẳng có vật dùng gì giá trị, ngoài xoong nồi, bát đĩa. Chị Dợ thấy khách đến mặt ngơ ngác chẳng hiểu điều gì đang diễn ra. Thấy chị Phương ra dấu hiệu sẽ đưa Pàng đi chữa chân thì vui lắm, gật đầu lia lịa để cảm ơn. “Nhìn con tôi rất thương mà không biết phải làm sao. Lúc tỉnh còn biết, lúc lên cơn tôi không biết gì cả”, chị Dợ nói và được dịch lại.
Anh Tín ban đầu không đồng ý với quyết định của vợ, anh khuyên chỉ nên cho tiền, đồ dùng rồi về. “Đưa một người về nhà vô cùng phức tạp. Bây giờ, em đang mang thai, các con còn nhỏ, mẹ thì đau bệnh, mang về, ai chăm sóc. Anh không tiếc tiền nhưng không muốn nhìn em thêm vất vả”, anh phân tích.
Chị Phương mang đồ ấm mặc cho Pàng, nói với chồng: “Anh cứ tin em đi, khi chúng ta quay lại nó sẽ trần truồng như thường!” rồi đi lên thị trấn tìm chỗ nghỉ. Hôm sau họ đến, vừa nhìn thấy Pàng không quần áo, anh Tín khựng lại vì không giữ được bình tĩnh.
“Một đứa con nít khổ mấy nhưng được ở bên mẹ vẫn ấm áp, dù có nghèo khổ, đau đớn. Pàng thì thiếu một người chăm sóc và bao bọc. Nếu mình cho tiền, quần áo đẹp, thức ăn ngon chưa chắc đã là điều tốt. Tôi đã đến đây thì không thể về được”, anh Tín chia sẻ. Họ cùng nhau đến ủy ban xã và ủy ban huyện làm các thủ tục để được đưa Pàng vào Sài Gòn, dự tính dùng số tiền tiết kiệm định mua tivi và ôtô để chữa bệnh cho bé.
“Tôi chỉ muốn đưa về chữa chân cho con, chứ không làm thủ tục nhận con nuôi, vì mẹ bé lúc tỉnh lúc mê, tự nhiên đưa con người ta đi luôn đâu có được, chị ấy buồn thì sao. Tôi cũng có con, cũng là mẹ nên rất hiểu điều đó”, chị Phương giải thích, nhưng trong thâm tâm chị đã xem Pàng là con gái mình ngay từ khi xem được đoạn clip trên mạng.
Ngày 27/12, Pàng về đến nhà mới. Lần đầu tiên được đi ôtô, chơi đồ chơi điện tử, thú nhồi bông, Pàng thích lắm. Mỗi khi xem tivi, có các bạn múa hát, em cũng bắt chước múa, nhún nhảy, miệng cười lớn tỏ vẻ thích thú. “Lúc ăn, Pàng chẳng cầm được đũa và thìa, không quen ăn cơm, tôi đưa cho bắp ngô rồi quay đi, em cầm lấy nhai ngấu nghiến như sợ ai ăn mất phần. Tôi quay lại, chỉ còn một tí cùi. Có lẽ con bé quen với bản năng tự vệ để sinh tồn rồi”, chị Phương rơm rớm kể lại.
Bé Pàng trong vòng tay chị Phương. Ảnh: NVCC. |
Đêm đến, nhớ mẹ, lần đầu tiên được nằm trên nệm êm và phải chịu những cơn đau do xương ở chân co rút (do ít vận động), Pàng khó chịu, khóc nức nở, vợ chồng chị Phương chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về, thay nhau trò chuyện, làm trò cho em vui, giúp con cảm nhận hơi ấm của tình yêu gia đình.
Những ngày đầu, nhìn ba mẹ suốt ngày ôm, giành hết tình thương cho chị Pàng, các con anh Tín tủi thân, chị Phương phải nhẹ nhàng giải thích: “Chị đang bệnh, mới về nhà đang lạ nên ba mẹ quan tâm hơn một chút thôi. Ba mẹ yêu đồng đều cả ba chị em”. Như hiểu điều gì đó, các bé ngoan ngoãn chơi đùa cùng chị, ít mè nheo mẹ hơn. Còn hai vợ chồng tự bảo nhau, phải yêu thương các con đồng đều.
Mấy ngày qua, họ đưa bé Pàng đi khám, làm tất cả các xét nghiệm, chụp chiếu, và kết quả như mong đợi, não và thần kinh Pàng bình thường, chỉ có điều em bị liệt nửa chân bên trái nên phải điều trị bằng cắt nẹp và tập vật lí trị liệu mất vài năm, tùy vào bé và sự kiên nhẫn của người nuôi dưỡng. “Một hành trình dài nhưng tôi rất vui, miễn nghe chữa được là được. Hy vọng vợ chồng tôi sẽ nhanh chóng thành công để con kịp cắp sách đến trường cùng các bạn”, chị Phương nói.
Không phụ công chăm sóc của anh chị, Pàng rất ngoan, miệng luôn mỉm cười, đã biết gọi ba mẹ, tên các em, đếm từ một đến 10, nói một số từ bằng tiếng kinh. Em cũng đã biết cách ăn cơm, vui vẻ chơi cùng các em và tương tác với ba mẹ để tập đi, đòi theo mỗi khi chị Phương đi làm. Đôi bàn tay chai sạn, lấm lem đất giờ đã trắng hồng, sạch sẽ hơn.
“Mỗi hành trình, sự trưởng thành của con, vợ chồng tôi đều ghi lại bằng hình ảnh hoặc video, dùng một ổ cứng lưu lại để sau này, Pàng đi được sẽ mở ra cho xem”, chị Phương cho biết. Song song đó, họ liên tục cập nhật thông tin của em trên facebook cá nhân để mọi người cùng chia sẻ niềm vui, cũng như chia sẻ bí quyết tập đi cho Pàng. “Từ ngày có Pàng về nhà, gia đình tôi vui lắm, ai cũng dành tình thương cho bé. Đúng là nhà có nhiều con nít thì chẳng bao giờ thiếu tiếng cười”, anh Tín nói.
Bé Pàng giữa gia đình mới ở Sài Gòn. Ảnh: NVCC. |
Ông Lê Duy Hải, chủ tịch UBND xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xác nhận, vợ chồng chị Phương có đến ủy ban xã làm thủ tục xin đưa Pàng vào Sài Gòn chữa chân, khi thành công sẽ đưa em về sống cùng gia đình. Sự việc này đã được chị Dợ đồng ý, phía ủy ban xã chứng kiến.
Ông cũng cho biết, gia đình chị Dợ thuộc hộ nghèo, được trợ cấp mỗi tháng 360 ngàn đồng. Hiện nay tinh thần chị Dợ lúc tỉnh lúc mê nên các con đang được ông bà nội chăm sóc. “Việc làm của vợ chồng chị Phương rất nhân văn và đáng trân trọng, tôi mong rằng, bé Pàng sẽ nhanh chóng bước đi được khi được họ giúp đỡ”, ông Hải nói.
Phan Thân/VNE