Ngày 2-2, Triều Tiên thông báo cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc nước này sắp phóng thử một vệ tinh vào đầu tuần tới.
Thông báo nói trên cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang đẩy mạnh phát triển công nghệ tên lửa tầm xa kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ tư ngày 6-1-2016.
Phát ngôn viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) – cơ quan trực thuộc LHQ – trả lời phỏng vấn qua email với Reuters: “Chúng tôi đã nhận được thông tin từ Triều Tiên về kế hoạch phóng vệ tinh quan sát Trái Đất ‘Kwangmyongsong’ từ ngày 8-2 đến 25-2”.
Bên cạnh đó, phía Triều Tiên cũng đã ban bố lệnh cấm tàu thuyền đi lại để tiến hành vụ phóng vệ tinh.
Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) – một cơ quan khác của LHQ – cũng nhận được thông báo. ITU cho biết Bình Nhưỡng tuyên bố họ sẽ phóng vệ tinh có thời gian hoạt động khoảng 4 năm trong quỹ đạo phi địa tĩnh.
Phản ứng trước thông báo nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby kêu gọi LHQ nhanh chóng gửi “thông điệp” cho Triều Tiên. Nhà Trắng lưu ý bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của nước này đều được xem là “khiêu khích và gây mất ổn định”.
Tương tự, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ xem động thái của Triều Tiên là “sự khiêu khích vô trách nhiệm và vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc”.
Trong khi đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tỏ ra cứng rắn hơn khi đề nghị LHQ trừng phạt Triều Tiên nặng tay hơn. Ông Russel nói rõ vụ phóng thử vệ tinh “sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo” là hành động “vi phạm nghĩa vụ quốc tế, thách thức và đe dọa” của Bình Nhưỡng. “Các nhà ngoại giao của chúng tôi đang thảo luận ở New York để tìm cách thắt chặt lệnh trừng phạt và đối phó với các hành vi vi phạm” – ông Russel tiết lộ.
Khi được hỏi về phản ứng thận trọng của Trung Quốc với lời kêu gọi xử phạt Triều Tiên của Mỹ, ông Russel cho hay một sự vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (của Triều Tiên) giống như “một cái tát vào mặt những người cho rằng chỉ cần thể hiện sự kiên nhẫn và đối thoại mà không cần áp đặt lệnh trừng phạt”.
Bắc Kinh – đồng minh thân cận lâu năm của Bình Nhưỡng – không có ý định trừng phạt nặng láng giềng của mình. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với Triều Tiên và Mỹ chờ đón sự hợp tác hiệu quả với Trung Quốc để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Hãng tin KCNA ngày 2-2 cho biết Đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tới Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chi tiết chuyến thăm không được nhắc đến.
Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo là vào tháng 12-2012. Các chuyên gia phương Tây và châu Á nói rằng đây là một phần chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng.
P. Nghĩa (Theo Reuters)
Theo Người Lao Động