Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tránh được các âm mưu ám sát nhờ vệ sĩ và những người chỉ điểm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự một buổi diễn tập phóng tên lửa năm 2014. Ảnh: KCNA. |
Không quân Hàn Quốc hôm nay diễn tập không kích vào mục tiêu giả định là lãnh đạo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Thực tế, từ lâu trước khi Triều Tiên bắt đầu theo đuổi chương trình vũ khí, gia tộc họ Kim đã phải đối mặt với nhiều âm mưu ám sát, theo Foreign Policy.
Kim Nhật Thành
Những năm 1930, Kim Nhật Thành (người sáng lập ra Triều Tiên năm 1948) gia nhập nhóm du kích chống Đế quốc Nhật ở Mãn Châu và Triều Tiên. Khi ông bắt đầu có tiếng tăm trong phong trào chống Nhật, cảnh sát Nhật đã thiết lập một đơn vị đặc biệt để săn đuổi ông. Họ sử dụng hàng chục cựu lính du kích từng chiến đấu trong cùng đơn vị với ông Kim, hứa hẹn sẽ xóa tội cho họ nếu ám sát thành công. Nhờ mạng lưới thông tin của cảnh sát Nhật, những người này đã lén lút bám theo đồng đội cũ – một bài học về sự phản bội mà ông Kim nhớ trong suốt quãng đời còn lại.
Trong những ngày chiến đấu du kích, ông Kim Nhật Thành được bảo vệ bởi một nhóm vệ sĩ, trong đó có người vợ đầu tiên là Kim Jong-suk. Theo lịch sử Triều Tiên, bà Kim Jong-suk đã che cho ông Kim Nhật Thành khi kẻ địch nhắm bắn từ một bãi lau sậy ở đông bắc Trung Quốc. Bà sau đó hạ những tay sát thủ bằng súng trường. Câu chuyện này đã trở thành một bài học tuyên truyền ở Triều Tiên về sự cần thiết phải tôn trọng tuyệt đối an toàn của gia tộc họ Kim, mặc dù có ít bằng chứng chứng minh chuyện này thực sự xảy ra.
Ông Kim Nhật Thành còn suýt bị ám sát tại một một buổi lễ ở trạm đường sắt Bình Nhưỡng, kỷ niệm phong trào độc lập của Triều Tiên ngày 1/3/1946. Các sát thủ được cho là do chính phủ Hàn Quốc điều đến đã ném một quả lựu đạn tự chế vào bục phát biểu của ông Kim.Yakov Novichenko, một trung úy Liên Xô, đã nhảy lên và tóm lấy quả lựu đạn. Hành động này tuy khiến Novichenko mất một cánh tay nhưng lại có được tình bạn suốt đời với ông Kim Nhật Thành.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (phải) và Yakov Novichenko. Ảnh: Siberian Times. |
Từ giữa những năm 1940, Triều Tiên đã phát triển một đội cảnh vệ hùng mạnh để bảo vệ nhà lãnh đạo với nhiều vòng an ninh. Trực tiếp bảo vệ ông Kim là 5 – 6 người từ Văn phòng số 6. Đây là những nhân viên cấp cao đã chứng minh được độ tin cậy và lòng trung thành qua nhiều năm phục vụ trong Sở chỉ huy Cảnh vệ Triều Tiên, đơn vị 100.000 nghìn người chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho gia tộc họ Kim và các quan chức cấp cao.
Kim Jong-il
Vào những năm 1990, khi Triều Tiên bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực từ ông Kim Nhật Thành sang con trai là Kim Jong-il, những tin đồn về âm mưu đảo chính và ám sát được lan truyền tại Triều Tiên và sau đó xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đầu những năm 1990, báo chí đưa tin về một âm mưu ám sát được cầm đầu bởi đại tá An Chang Ho và 30 – 40 sĩ quan quân đội, tất cả đều học tại Học viện Quân sự Frunze ở Liên Xô. Họ được cho là đã lên kế hoạch chĩa tháp pháo trên xe tăng vào ông Kim Nhật Thành và Kim Jong-il trong cuộc duyệt binh tháng 4/1992, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên (KPA).
Cố lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-il. Ảnh: KCNA. |
Michael Madden, một học giả đến từ trường Johns Hopkins, cho biết sau đó có nhiều nguồn tin nói rằng An đã bị sa thải và bị bắt, các sinh viên tại đại học nói trên cũng bị điều tra.
Sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời, Quân đoàn 6 của KPA, có trụ sở tại Bắc Hamgyong năm 1995 định đảo chính.”Âm mưu bị lật tẩy bởi chính những thành viên trong Quân đoàn 6″, Ken Gause, giám đốc của nhóm các vấn đề quốc tế tại CNA, một tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận, cho biết.
Có nhiều tin đồn về hậu quả mà Quân đoàn 6 phải gánh chịu sau vụ việc. “Câu chuyện đáng tin nhất là họ đã trói chỉ huy cấp cao của quân đoàn này vào một tòa nhà trong doanh trại, sau đó đốt lửa thiêu nó”, Madden nói. Quân đoàn 6 hiện bị xóa sổ khỏi hồ sơ.
Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un năm 2011 kế nhiệm cha mình. Dưới thời của ông, Triều Tiên đã có những phát triển lớn trong chương trình vũ khí, khiến nhiều nước, đặc biệt là Hàn Quốc, lo ngại.
Mặc dù ám sát lãnh đạo của kẻ thù trong một cuộc chiến không phải là ý tưởng mới, quân đội Hàn Quốc ngày càng lên tiếng nhiều về khả năng thực hiện nhiệm vụ “chặt đầu rắn”. Quân đội Hàn Quốc thông báo vào năm 2016 rằng họ thành lập một đơn vị hoạt động đặc biệt được giao nhiệm vụ ám sát Kim Jong-un và các lãnh đạo cấp cao khác trong trường hợp cần tấn công phủ đầu.
Triều Tiên tố Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Hàn Quốc tháng 6/2014 đã mua chuộc một công dân Triều Tiên làm việc tại Nga để thực hiện vụ ám sát ông Kim sau khi về nước.
Họ nói rằng Hàn Quốc đã cho người đó 20.000 USD để tấn công ông Kim trong một sự kiện trước công chúng bằng vũ khí hóa sinh, như chất phóng xạ và chất độc nano. Triều Tiên cũng đăng video cho thấy nghi phạm thú tội. CIA từ chối bàn luận về thông tin này.
Triều Tiên công bố video nghi phạm ám sát Kim Jong-un thú nhận. Video: Uriminjokkiri TV.
Triều Tiên hai tháng trước tuyên án tử hình vắng mặt cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, nói rằng bà Park đã lên kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2015. Báo Nhật Asahi Shimbun đưa tin rằng trong âm mưu này có kế hoạch dàn dựng một vụ tai nạn giao thông trên đường bộ hoặc trên biển và xúi giục các quan chức thân cận với ông Kim phản bội. Tuy nhiên, cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết thông tin này “không có căn cứ”.
Dù truyền thông đưa tin nhiều về các âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên, có một điều rõ ràng rằng ngay cả khi Mỹ hay Hàn Quốc tấn công phủ đầu thành công chống lại Kim Jong-un, Triều Tiên vẫn có khả năng gây thiệt hại thảm khốc cho Hàn Quốc, nơi hàng nghìn lính Mỹ đang đóng quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói với nhà lập pháp Mỹ rằng mặc dù Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong một cuộc chiến tranh chống lại Triều Tiên, bất kỳ xung đột nào cũng sẽ “gây tổn thất nghiêm trọng về người hơn bất cứ điều gì chúng ta đã thấy từ chiến tranh năm 1953”.
Phương Vũ/Vnexpress