Sa đà vào những lùm xùm không liên quan đến chính sách trong nửa năm đầu cầm quyền, ông Trump dường như đánh mất vai trò lãnh đạo ở Washington.
Ông Donald Trump phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 28/2. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây lo lắng ở Washington khi ông tỏ ra không toàn tâm toàn ý với công việc lãnh đạo đất nước, theo Boston Globe.
Ngay cả những đồng minh từ đảng Cộng hòa dường như cũng cảm thấy sốt ruột khi ông chủ Nhà Trắng vướng vào hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, liên tục viết những dòng bình luận bốc đồng trên mạng xã hội Twitter, không thể đưa ra những thông điệp nhất quán và thẳng thừng tuyên chiến với truyền thông.
Trump đã cho thấy khả năng hạn chế trong việc tập hợp ủng hộ cho các sáng kiến chính sách tại quốc hội dù nó được kiểm soát bởi chính đảng Cộng hòa của ông. Ông cũng chưa làm gì nhiều để cung cấp cho công chúng một tầm nhìn về những hoạch định tương lai, chuyên gia đánh giá.
Khoảng trống quyền lực lãnh đạo
Trump mới chỉ đưa ra một bài phát biểu trước toàn quốc trên truyền hình vào giờ vàng kể từ ngày ông nhậm chức, đó là bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội hồi tháng 2.
Các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa tại quốc hội đã cho thấy họ không có khả năng sử dụng quyền kiểm soát đa số để giải quyết những công việc trọng đại và không sẵn sàng thách thức một Nhà Trắng đang rối loạn để giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự ở Washington. Trong khi đó, những thành viên đảng Dân chủ hiện có rất ít ảnh hưởng.
Trước bối cảnh nước Mỹ đối diện hàng loạt vấn đề quốc tế và nội tại hệ trọng, Washington đang chứng kiến một khoảng trống quyền lực lãnh đạo, chưa từng xảy ra ở bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử hiện đại, theo giới học giả và các chuyên gia phân tích chính trị.
“Tôi thậm chí không thể nghĩ đến tình huống một tổng thống kiểm soát lưỡng viện quốc hội lại có một khởi đầu hỗn loạn, khó đoán và khác thường như vậy”, David Gergen, người từng làm cố vấn Nhà Trắng cho 4 đời tổng thống Mỹ, nhận xét về ông Trump.
“Công bằng mà nói, Trump đang lãnh đạo một đảng Cộng hòa với nhiều rạn nứt… Nhưng tổng thống là người phải đối mặt với thách thức trong những hoàn cảnh khó khăn. Đó là lý do tại sao làm tổng thống là một công việc vĩ đại. Tổng thống Trump, nếu nói theo lối ẩn dụ, đang cưỡi ngựa chạy quanh giống như một kỵ sĩ không đầu”, Gergen nói.
Không nắm chi tiết chính sách
Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì họp báo một mình duy nhất hồi tháng 2. Ảnh: CNBC. |
Điều đáng lo hơn cả là việc guồng máy rối loạn ở Washington không có dấu hiệu cải thiện, cây bút Matt Viser từ Boston Globe nhận định.
“Hệ thống chính trị Mỹ dựa trên nền tảng tổng thống đưa ra sáng kiến và quốc hội phản hồi. Nhưng với Tổng thống Trump, nền tảng này hoạt động theo chiều ngược lại”, H.W. Brands, giáo sư tại Đại học Texas, bình luận. “Ông ấy không nắm các chi tiết chính sách nên không thể là một người bảo vệ chính sách thuyết phục. Khi một tổng thống không nắm vững chính sách, ông ta sẽ không thể trở thành một nhà lãnh đạo thực sự hiệu quả”.
Nhiều học giả và các chuyên gia chính trị cho biết Washington chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu người chèo lái như hiện nay trong khi còn vô vàn công việc cần tiến hành.
Hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố Mỹ đang xuống cấp, các con đường, mạng lưới cấu cống liên tục hư hỏng. Những công ty bảo hiểm y tế đang rút khỏi các thị trường bảo hiểm quan trọng vì lo ngại trước tình trạng không chắc chắn xung quanh số phận của Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) cũng như việc đảng Cộng hòa không thông qua được một đạo luật thay thế và hủy bỏ Obamacare như cam kết từ lâu.
Hầu hết mọi người đều nhất trí rằng bộ luật thuế quá phức tạp nhưng triển vọng cải tố nó dường như đang tắt dần. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thống nhất luật nhập cư cần thay đổi nhưng không ai dám đặt cược đảng Cộng hòa có thể sử dụng quyền kiểm soát quốc hội để thông qua bất cứ đạo luật cải cách nào hoặc tiến đến thỏa hiệp với đảng Dân chủ trong vấn đề nhập cư.
“Một đảng đang kiểm soát quốc hội và liệu ai nghĩ được rằng họ không có chương trình nghị sự, không có tầm nhìn và không có khả năng hoàn thành công việc”, John Weaver, chiến lược gia kỳ cựu thuộc đảng Cộng hòa, nói. “Phần lớn trách nhiệm này nằm ở tổng thống”.
Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ những kết quả công việc của Trump và chỉ ra rằng ông góp phần mang đến sự lạc quan cho các nhà sản xuất trong nước, giảm bớt những luật lệ hành chính cũng như thông qua không ít đạo luật tạo điều kiện dễ dàng cho tái cấu trúc và cải cách.
“Nếu một nhà lãnh đạo được định nghĩa là người thường xuyên đưa ra các bài phát biểu hay cuộc họp báo vào giờ vàng trên truyền hình thì định nghĩa ấy có vấn đề. Một lãnh đạo giỏi phải là người bảo vệ an ninh và kinh tế đất nước”, phát ngôn Nhà Trắng Tyler Ross nhấn mạnh.
“Bằng cách đặt các lợi ích Mỹ lên trước tiên, Tổng thống Trump đang chủ trì nỗ lực giảm một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, xóa bỏ những quy định không khuyến khích việc làm trị giá hàng tỷ USD và theo đuổi các hiệp định thương mại công bằng mang lại lợi ích tốt hơn cho công nhân Mỹ. Chúng ta đang sống giữa một đất nước an toàn và mạnh mẽ hơn về kinh tế”, ông Ross nói.
Tổng thống ít chủ trì họp báo nhất
Các cuộc họp báo Nhà Trắng dưới thời ông Trump thường ngắn gọn nhưng gây tranh cãi. Những dòng tweet Tổng thống Mỹ đăng tải không đề cập đến các trọng tâm chính trị, như vấn đề chăm sóc y tế hay nhập cư, mà chỉ tập trung vào cách ông cư xử với phụ nữ, cuộc chiến giữa ông với giới truyền thông hoặc bất cứ điều gì khác không liên quan đến chính sách. Ông thậm chí không thể nhất trí với những người Cộng hòa, từ chối công khai chỉ trích Nga và không ủng hộ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trump đã tham gia 11 cuộc họp báo nhưng trong đó, có đến 10 cuộc là họp báo chung với lãnh đạo nước ngoài. Chỉ có một cuộc họp báo ông chủ trì, diễn ra cách đây 5 tháng.
Điều đó khiến Trump trở thành tổng thống Mỹ ít chủ trì họp báo một mình nhất trong gần một thế kỷ, theo website Dự án Nghiên cứu Tổng thống Mỹ (ADD). Ở năm cầm quyền đầu tiên, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức 11 cuộc họp báo một mình. Con số trên với tổng thống George W. Bush và Bill Clinton lần lượt là 5 và 12.
Trump cũng hầu như không đưa ra bất kỳ phát biểu chính sách quan trọng nào dù đây là công cụ quan trọng để một nhà lãnh đạo thúc đẩy chương trình nghị sự hoặc góp phần giúp công chúng nắm rõ những thách thức trong và ngoài nước.
“Vào giai đoạn này dưới thời chính quyền tổng thống Ronald Reagan, ông đã có 2 bài phát biểu quan trọng, nêu quan điểm cơ bản về chính sách và giải thích tại sao cần đưa một dự luật cụ thể nào đó vào thi hành. Các tổng thống John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Bill Clinton hay Barack Obama đều làm như vậy. Họ đủ am hiểu về chính sách để thúc đẩy chính sách riêng của họ. Thật khó có thể nói ông Trump thực sự đã xây dựng được một chính sách chăm sóc y tế”, Brands bình luận.
Ông Trump thậm chí còn bỏ qua khía cạnh quan trọng nhất của chính sách ngoại giao, đó là việc quyết định bổ sung bao nhiêu lính Mỹ cho các chiến dịch an ninh ở nước ngoài. Ông đã giao lại cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quyền quyết định triển khai thêm bao nhiêu bộ binh đến Afghanistan.
Mặt khác, Trump cũng không tổ chức cuộc họp báo nào để trình bày kế hoạch tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dù ông từng tuyên bố công khai vào ngày 21/5 rằng sẽ họp báo về vấn đề trên trong vòng 2 tuần sau đấy.
Ông chưa đặt ra chương trình nghị sự cụ thể cho cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tuần này ở Hamburg, Đức.
Người Mỹ bất an
Hình ảnh cắt từ video chế đăng trên tài khoản Twitter của Trump cho thấy ông tấn công một người có khuôn mặt bị che đi bởi logo CNN. Ảnh: Twitter. |
Các cuộc khảo sát cho thấy việc thiếu nỗ lực đồng bộ để tập hợp người dân Mỹ ủng hộ một triết lý quản trị hay một tầm nhìn cho tương lai đang tạo ra tác động tiêu cực.
Khi được hỏi cảm nghĩ về những vấn đề xảy ra ở Washington hiện nay, chỉ 11% người Mỹ nói họ cảm thấy thú vị, theo kết quả cuộc khảo sát do USA Today/Đại học Suffolk công bố tuần trước. 1/3 số người được hỏi cho biết họ thấy bất an, trong khi 42% nói họ cảm thấy tình hình ở mức báo động.
“Thời cơ để lãnh đạo là có nhưng Nhà Trắng dường như không quan tâm đến bất kỳ chuẩn mực truyền thống nào hay cách tiếp cận để huy động sự ủng hộ nhằm thông qua các dự luật”, Meena Bose, giám đốc Trung tâm Peter S. Kalikow về Nghiên cứu Tổng thống Mỹ thuộc Đại học Hofstra, New York, nhận xét.
“Đây thực sự là điều khác thường vì không có cuộc luận tội nào, không có cuộc khủng hoảng quốc tế nào và nước Mỹ đang nằm dưới quyền thống trị của một đảng”, Edward G. Rendell, cựu thống đốc bang Pennsylvania, nói.
Theo giới quan sát, trong quãng thời gian vận động tranh cử tổng thống, Trump thường xuyên tự hào tuyên bố ông thừa khả năng thuyết phục mọi người và dàn xếp các thỏa thuận nhưng những chiến thuật ông thực hiện đến nay dường như lại tạo ra hiệu ứng ngược.
“Vì Trump luôn thay đổi quyết định nên những người Cộng hòa không muốn cam kết bất cứ điều gì bởi họ không tin tưởng ông. Và niềm tin có lẽ là điều quan trọng nhất mà một lãnh đạo phải tìm cách đạt được để thuyết phục người khác”, Linda Fowler, giáo sư từ Đại học Dartmouth, bang New Hampshire, nhấn mạnh.
Hồng Vân/Vnexpress