Các chuyên gia cảnh báo việc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ di chuyển gần bán đảo Triều Tiên dễ dẫn đến những tính toán sai lầm kéo theo xung đột quân sự giữa 2 nước.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) dẫn đầu đang tiến về bán đảo Triều Tiên. Theo Bộ Hải quân Mỹ, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đã ra lệnh cho nhóm tác chiến bao gồm một số tàu khu trục, tàu tuần dương rời cảng Singapore vào ngày 8/4.
Sai lầm nhỏ, xung đột lớn
Lệnh điều động nhóm tác chiến tàu sân bay tiến về bán đảo Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ ngày càng tăng về cuộc xung đột tình cờ trên bán đảo Triều Tiên.
Zhang Tuosheng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Trung Quốc, cho biết: “Cả Mỹ và Triều Tiên đều không có ý định gây ra chiến tranh nhưng nguy cơ xung đột sẽ cao hơn vì một tính toán sai lầm nhỏ hoặc tai nạn ngoài dự kiến có thể kéo theo chiến tranh trên bán đảo”.
Nhà phân tích quân sự Li Jie ở Bắc Kinh đồng ý với nhận định trên, ông cho rằng sự có mặt của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gần bán đảo Triều Tiên chắc chắn làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm vốn đã rất cao. Nó còn có thể cao hơn nếu Tổng thống Donald Trump, hoặc nhà lãnh đạo Kim Jong Un có lập trường mạnh hơn so với bên kia.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đang tiến về bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Mỹ có gần 30.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc, các tàu chiến của Hải quân Mỹ thường xuyên phô diễn lực lượng gần bán đảo Triều Tiên. Việc triển khai diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump nói với Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp mặt đầu tiên giữa họ, rằng Mỹ đã sẵn sàng để đơn phương hành động với Triều Tiên.
Ngoài ra, khi 2 nhà lãnh đạo ăn tối tại Florida, Mỹ đã tiến hành không kích bất ngờ vào lãnh thổ Syria. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng đó là thông điệp cảnh báo đối với những nước khác, bao gồm Bình Nhưỡng. Washington cho biết trong cuộc điện đàm vào ngày 8/4, ông Trump và Tổng thống lâm thời Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ về Triều Tiên và các vấn đề khác.
Ẩn số kho vũ khí hạt nhân
Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký hiệp định hòa bình kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc đã mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung trong khu vực và tái tổ chức cuộc tập trận hàng năm từ “phòng vệ” sang “ưu tiên tấn công”.
Gần đây Triều Tiên liên tục thử tên lửa. Ảnh: NBC News |
Đáp lại, Bình Nhưỡng vội vã phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường năng lực quân sự. Các nhà phân tích nói rằng những động thái đó mở đường cho những nhận thức sai lầm và gây nhiều tranh cãi.
Ông Zhang cho biết: “Quy mô các cuộc tập trận chung giữa Mỹ – Hàn ngày càng lớn và đưa ra cảnh báo rõ ràng đối với Bình Nhưỡng, rằng Mỹ có thể phá hủy Triều Tiên nếu muốn”. Khả năng tấn công quân sự của Mỹ và Hàn Quốc cũng ngày một được tăng cường, trong khi những lời lẽ khiêu khích từ Bình Nhưỡng khiến Washington khó chịu.
Bên cạnh đó, Mỹ đang đối mặt với áp lực to lớn để tấn công Bình Nhưỡng trước khi nước này phát triển thành công năng lực tấn công nước Mỹ bằng tên lửa. Hwang Jae-ho, Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho hay việc hiểu biết chính xác về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động chống Triều Tiên của Mỹ.
“Nếu thiếu thông tin chính xác, Mỹ không thể nhanh chóng và an toàn trong việc vô hiệu hóa khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng, Triều Tiên có thể trả đũa bằng cách phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí là ở Mỹ”, ông Hwang nói.
Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Cui Zhiying, thuộc Đại học Tongji, nói: “Một cuộc chiến lớn ở bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc, và nước này cần chuẩn bị về quân sự để tự bảo vệ mình”.
Quốc Việt/ZIng