Các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ chỉ trích mạnh mé thỏa thuận mới giữa Washington và Tokyo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là “lớn nhất lịch sử”. Họ cáo buộc thỏa thuận này làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của ô tô Bắc Mỹ.
Thỏa thuận thuế quan mới đạt được trong tuần này giữa Mỹ và Nhật Bản, trong đó mức thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng từ Nhật được giảm từ 27,5% xuống còn 15%, đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Các nhà sản xuất ô tô trong nước cho rằng đây là “một thỏa thuận tồi” khi các nhà sản xuất Bắc Mỹ phải gánh chịu mức thuế cao hơn (khoảng 25%) đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác truyền thống như Mexico và Canada.
Ba tập đoàn ô tô hàng đầu của Mỹ là General Motors (GM), Ford Motor và Stellantis hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện giá rẻ từ Mexico để lắp ráp tại các nhà máy trong nước. Nhiều mẫu xe thành phẩm cũng được nhập khẩu từ Mexico, Canada, thậm chí Hàn Quốc. Với GM và Stellantis, khoảng 40% đến 50% tổng doanh số xe tại Mỹ là từ nguồn nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong khi thuế nhập khẩu từ Nhật Bản được giảm mạnh xuống 15%, mức thuế với xe từ các nước láng giềng Mexico và Canada lại không thay đổi, duy trì ở mức 25%. Sự khác biệt này đang khiến các nhà sản xuất Mỹ lo ngại bị mất cân bằng cạnh tranh ngay trên sân nhà.
“Bất kỳ thỏa thuận nào áp dụng mức thuế thấp hơn đối với xe nhập từ Nhật Bản, vốn có tỷ lệ linh kiện Mỹ rất thấp, trong khi tiếp tục áp thuế cao đối với xe sản xuất tại Bắc Mỹ với tỷ lệ nội địa hóa cao, đều là một thỏa thuận tồi đối với ngành công nghiệp Mỹ và người lao động Mỹ”, ông Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ, nhận định.
Thực tế, thỏa thuận này mang lại lợi thế rõ rệt cho các hãng xe Nhật Bản. Theo Công ty chứng khoán Nomura, Toyota Motor hiện nhập khẩu khoảng 20% lượng xe bán ra tại Mỹ từ Nhật Bản. Tỷ lệ này ở Subaru là 40%, còn Mazda là 50%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mức thuế nhập khẩu thấp hơn từ Nhật Bản cũng có thể mang lại lợi ích nhất định cho các nhà sản xuất Mỹ, vốn sử dụng nhiều linh kiện từ Nhật. Đồng thời, Toyota và các hãng xe Nhật Bản khác vẫn đang nhập khẩu đáng kể linh kiện và xe thành phẩm từ các quốc gia thứ ba như Mexico – nơi chịu mức thuế 25%.
Dù vậy, làn sóng phản ứng từ ngành ô tô Mỹ phản ánh sự bất bình kéo dài nhiều năm về tình trạng mất cân đối trong quan hệ thương mại ô tô song phương. Mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1,37 triệu xe thành phẩm, trong khi các hãng xe Mỹ chỉ xuất được khoảng 16.000 xe sang Nhật – con số mà nhiều chuyên gia đánh giá là “không đáng kể”.
Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) cũng ra tuyên bố chỉ trích thỏa thuận, cho rằng đây là bước lùi trong nỗ lực bảo vệ việc làm trong nước. “Chúng tôi vô cùng tức giận trước thỏa thuận thương mại mà chính quyền công bố với Nhật Bản”, UAW nêu rõ.
Dù Nhật Bản đã cam kết đơn giản hóa thủ tục phê duyệt xe Mỹ theo thỏa thuận mới, các nhà sản xuất Mỹ cho rằng điều này không giúp cải thiện thực trạng thị trường. Một phần nguyên nhân là vì thiết kế xe Mỹ thường có kích thước lớn, không phù hợp với hạ tầng đô thị và nhu cầu tiêu dùng tại Nhật Bản.
Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô Mỹ còn lo ngại về sự thống trị ngày càng lớn của các dòng xe hybrid đến từ Nhật Bản trên thị trường nội địa. Theo các dữ liệu mới nhất, Toyota và các hãng đồng hương hiện nắm giữ khoảng 80% thị phần xe hybrid tại Mỹ.
Đáng chú ý, việc chính quyền Tổng thống Trump bãi bỏ các khoản trợ cấp cho xe điện lại đang vô tình thúc đẩy doanh số xe hybrid – vốn là lựa chọn tiết kiệm hơn. Theo công ty nghiên cứu thị trường Cox Automotive, trong quý I/2025, xe hybrid chiếm 12% tổng số ô tô mới bán ra tại Mỹ, gấp đôi tỷ lệ của cùng kỳ hai năm trước.
Ngay cả khi được hưởng mức thuế thấp hơn, các hãng xe Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt với chi phí gia tăng. Theo ước tính của ông Neal Ganguli, chuyên gia tại AlixPartners, chi phí xuất khẩu một chiếc xe từ Nhật Bản sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 3.900 USD/chiếc, do các điều chỉnh trong chuỗi cung ứng và yêu cầu tuân thủ mới.
Tóm lại, dù được xem là nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, thỏa thuận mới giữa Mỹ và Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, bất kỳ sự điều chỉnh nào về chính sách thuế đều có thể làm thay đổi cục diện thị trường, cả về sản xuất, việc làm và chuỗi cung ứng.