Năm 2024, doanh thu của Pacific Airlines ước đạt 5.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 2.506 tỷ đồng. Đây là cú “lội ngược dòng” ấn tượng sau nhiều năm chìm trong thua lỗ của hãng bay này.
Những lần “thay áo” để sống còn
Được thành lập năm 1991, Pacific Airlines là hãng hàng không vận chuyển không thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Với vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng và 7 cổ đông – trong đó Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cùng các doanh nghiệp liên quan chiếm tỷ lệ chi phối – hãng từng bước phát triển trong một thị trường hàng không còn sơ khai.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Pacific Airlines lại không đạt như mong muốn, dẫn đến nhiều lần đổi chủ sau đó. Ở thời điểm năm 2006, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập, toàn bộ cổ phần của nhà nước tại Pacific Airlines được chuyển cho SCIC nắm giữ và điều hành.

Năm 2007, thỏa thuận đầu tư chiến lược từ Tập đoàn Qantas (Úc) đã giúp hãng có thêm sức sống. Qantas rót 50 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần, sau đó nâng lên 30%. Pacific Airlines khi ấy đổi tên thành Jetstar Pacific, chuyển sang sử dụng nhận diện thương hiệu và hệ thống phân phối của Jetstar, kỳ vọng tăng tốc nhờ kinh nghiệm và mạng lưới của đối tác ngoại.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động tiếp tục không như kỳ vọng. Đến cuối năm 2011, hãng chỉ chiếm 17% thị phần hàng không nội địa. Một lần nữa, hoạt động tái cơ cấu tại hãng hàng không này được tiến hành.
Vietnam Airlines khi đó tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước, chuyển đổi Jetstar Pacific thành hãng hàng không giá rẻ trực thuộc. Từ đây, Vietnam Airlines và Qantas cùng tiến hành tái cấu trúc sâu rộng, cắt giảm chi phí và tối ưu vận hành. Kết quả là hãng bắt đầu có lãi trong hai năm liên tiếp 2018–2019, đánh dấu giai đoạn ngắn ngủi “hồi sinh”.
Cú sốc Covid-19 và sự trở lại của thương hiệu Pacific Airlines
Nhưng chưa kịp vững chân, sóng gió lại ập đến. Đại dịch Covid-19 năm 2020 như đòn đánh chí mạng với toàn ngành hàng không, đặc biệt là các hãng vốn đang chật vật với bài toán tài chính như Jetstar Pacific. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hãng lỗ 1.200 tỷ đồng. Qantas – cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch – quyết định rút vốn khỏi liên doanh. Ngày 15/6/2020, Jetstar Pacific chính thức chia tay thương hiệu Jetstar, quay lại tên gọi cũ Pacific Airlines, do Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần.
Không có đối tác chiến lược, cộng thêm ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch, Pacific Airlines tiếp tục ngụp lặn trong thua lỗ. Năm 2022, lỗ trước thuế của hãng lên tới 2.096 tỷ đồng, lũy kế lỗ đến cuối năm chạm mốc 10.700 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 6.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Pacific Airlines còn nợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gần 874 tỷ đồng.
Vietnam Airlines – cổ đông lớn – cũng đang phải “gồng mình” với khoản lỗ ròng 11.200 tỷ đồng trong năm 2022. Do vậy, Vietnam Airlines đã tính đến phương án thoái vốn Pacific Airlines. Song việc này lại gặp rào cản từ Nghị định 91/2015 của Chính phủ: doanh nghiệp nhà nước chỉ được thoái vốn tại doanh nghiệp nếu có lãi hai năm liên tiếp và không lỗ lũy kế – điều mà Pacific Airlines chưa đáp ứng được.
Đầu năm 2024, Pacific Airlines cho biết đã phải trả hết tàu bay để giảm gánh nặng nợ với các chủ cho thuê. Một số đường bay của hãng phải thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác. Dù vướng phải nhiều hoài nghi về khả năng hoạt động tiếp, Pacific Airlines đã trở lại “đường đua” chỉ sau đó 3 tháng.
Theo đó, Vietnam Airlines hỗ trợ thuê lại 3 tàu bay, đảm bảo Pacific Airlines duy trì giấy phép khai thác tàu bay (AOC) và slot bay. Từ ngày 26/6/2024, Pacific Airlines chính thức bay trở lại, tập trung vào một số đường bay nội địa, theo mô hình hợp tác khai thác dịch vụ VNA–PA.
Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng được xóa các khoản tiền phạt và chậm nộp thuế (trước năm 2007), với điều kiện phải hoàn tất toàn bộ nợ gốc thuế trước ngày 31/12/2024. Đến ngày 31/12/2024, Pacific Airlines đã hoàn thành việc nộp toàn bộ số tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Cũng trong năm 2024, Pacific Airlines được các bên cho thuê xóa nợ tiền thuê tàu và lãi phạt chậm trả lên tới hơn 4.284 tỷ đồng. Nhờ loạt biện pháp tái cơ cấu tài chính và sự hỗ trợ từ cổ đông lớn, Pacific Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Năm 2024, doanh thu ước đạt 5.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 2.506 tỷ đồng – cú lội ngược dòng ấn tượng sau nhiều năm chìm trong thua lỗ.
Song song với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ Pacific Airlines duy trì hoạt động, Vietnam Airlines đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành triển khai các giải pháp xử lý tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thoái vốn tại hãng hàng không giá rẻ này. Việc Pacific Airlines có lợi nhuận dương trong năm 2024 có thể là bước đệm đầu tiên cho quá trình này.
Thu An / Vietnamfinance.vn