Úc ngày 9/4 đã từ chối đề xuất của Trung Quốc về việc hợp tác chống lại thuế quan của Mỹ, thay vào đó họ khẳng định sẽ tiếp tục đa dạng hóa thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.
“Chúng tôi sẽ không bắt tay với Trung Quốc”
“Chúng tôi sẽ không bắt tay với Trung Quốc trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào đang diễn ra trên thế giới”, Phó Thủ tướng Úc Richard Marles nói với Sky News, ám chỉ đến đề xuất của đại sứ Trung Quốc về việc các nước “bắt tay” về thương mại.
“Chúng tôi không làm như vậy. Những gì chúng tôi đang làm là theo đuổi lợi ích quốc gia của Úc và đa dạng hóa thương mại của chúng tôi trên toàn thế giới”, vị Phó thủ tướng Úc nhấn mạnh thêm.

Ông cho biết Úc sẽ xây dựng khả năng phục hồi kinh tế của mình bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu, Indonesia, Ấn Độ, Anh và Trung Đông.
Trước đó, trong một mục ý kiến trên tờ báo The Age, đại sứ Trung Quốc tại Úc Xiao Qian đã kêu gọi Canberra hợp tác với Bắc Kinh để bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu đa phương.
“Trong hoàn cảnh mới, Trung Quốc sẵn sàng chung tay với Úc và cộng đồng quốc tế để cùng nhau ứng phó với những thay đổi của thế giới”, ông Xiao nêu rõ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một sự đảo ngược đáng kinh ngạc, ngày 9/10 đã tuyên bố ông sẽ tạm thời hạ thuế quan đối với hàng chục quốc gia nhưng vẫn nhắm vào Trung Quốc (tăng thuế quan từ 104% lên 125%), làm leo thang thêm cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều đó có thể gây ra rủi ro cho Úc, quốc gia vận chuyển gần 1/3 hàng hóa của mình sang Trung Quốc. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm chưa đến 5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Úc.
Ngân hàng trung ương Úc đã cảnh báo rằng sự bất ổn đang diễn ra về thuế quan và các hạn chế thương mại khác giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có thể có tác động tiêu cực đến các quyết định đầu tư kinh doanh và chi tiêu của hộ gia đình tại quốc gia này.
Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế quan đơn phương 10% đối với Úc, mức thấp nhất trong mức thuế quan có đi có lại của ông đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Trước đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết mặc dù thuế áp dụng đối với Úc “không có cơ sở logic”, nhưng chính phủ của ông sẽ không trả đũa. Úc vốn là một đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc đã chuẩn bị trong 6 năm”
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tích cực đàm phán với các quốc gia từ châu Âu đến Đông Nam Á nhằm mở rộng hợp tác thương mại, đồng thời muốn giành được sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác của Mỹ vốn đang tức giận vì cuộc chiến thương mại mới bùng nổ.

Nhưng nước này dường như đã chuẩn bị cho các cuộc xung đột thương mại với Mỹ kể từ cuộc chiến thương mại đầu tiên với ông Trump và chiến dịch chống lại “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei. Đây là lời cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh rằng sự trỗi dậy kinh tế của nước này có thể bị trật bánh nếu không có sự chuẩn bị.
“Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong 6 năm – họ biết đây là một khả năng”, theo ông Victor Shih, giám đốc Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 của Đại học California San DiegoShih ở California nhận định.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh đã hỗ trợ các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm cách khắc phục một số thách thức kinh tế trong nước cùng với nhiều nỗ lực khác để chuẩn bị cho những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng hiện Trung Quốc có vị thế tốt hơn nhiều để vượt qua xung đột thương mại rộng lớn hơn. So với năm 2018, nước này đã mở rộng quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, giảm tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ từ khoảng 1/5 tổng số xuống còn dưới 15%.
Trung Quốc cũng đã xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác, nâng cấp công nghệ sản xuất bằng AI và robot hình người và tăng cường năng lực công nghệ tiên tiến, bao gồm cả chất bán dẫn. Kể từ năm ngoái, chính phủ nước này cũng đã nỗ lực để giải quyết các vấn đề như tiêu thụ yếu và nợ chính quyền địa phương cao.
Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, cho biết: “(Những) điểm yếu của Trung Quốc là đáng kể, nhưng trong bối cảnh của một cuộc ẩu đả toàn diện, những điểm yếu này có thể kiểm soát được. Mỹ sẽ không thể tự mình đưa nền kinh tế Trung Quốc đến bờ vực hủy diệt”.
Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ngày 10/4 ước tính căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cắt giảm thương mại hóa giữa hai nền kinh tế tới 80%.
“Cách tiếp cận ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn chiếm khoảng 3% tổng thương mại toàn cầu, đang kéo theo những tác động sâu rộng, có thể gây tổn hại đến triển vọng kinh tế toàn cầu”, WTO cảnh báo.
Tuyên bố của WTO cho biết thêm rằng việc chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối theo cách này có thể dẫn đến việc GDP thực tế toàn cầu giảm gần 7% trong thời gian dài.
Ước tính sơ bộ của tổ chức này được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng tạm dừng một số mặt hàng khác trong 90 ngày.
Theo Reuters, CNN
Quang Đăng / Vietnamfinance.vn