Nhà Trắng cho biết mức thuế 104% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đã chính thức có hiệu lực, sau khi Bắc Kinh không tuân thủ thời hạn dỡ bỏ các mức thuế trả đũa vốn được áp dụng để đáp trả chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Việc này khiến cổ phiếu phố Wall lại trượt dốc.
Trong buổi họp báo ngày 8/4 (giờ Mỹ), Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Trung Quốc đã từ chối gỡ bỏ các mức thuế trả đũa, dẫn đến việc Tổng thống Trump kích hoạt mức thuế bổ sung 50% được áp dụng chồng lên hai mức thuế trước đó là 20% và 34%. Kết quả, mức thuế tổng cộng đối với hàng hóa Trung Quốc hiện đã lên tới 104%, Fox News đưa tin.
Thuế quan 104% là hệ quả của việc trả đũa từ Bắc Kinh
Bà Leavitt nói thêm rằng các mức thuế này có hiệu lực từ trưa 8/4 theo giờ miền Đông nước Mỹ và sẽ bắt đầu được thực thi kể từ 9/4. Bà cũng kêu gọi các đối tác thương mại của Mỹ nên chủ động đưa ra các thỏa thuận nhằm cải thiện điều kiện trao đổi thương mại song phương.
“Thông điệp của Tổng thống Trump ngay từ đầu đã luôn rõ ràng và nhất quán đối với toàn thế giới: Hãy đưa đến cho chúng tôi những đề nghị tốt nhất của các bạn và ông ấy sẽ lắng nghe. Chỉ những thỏa thuận có lợi cho người lao động Mỹ, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng của chúng ta mới được ký kết”, Leavitt phát biểu tại Nhà Trắng.

Bà Leavitt nhấn mạnh rằng chính các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đã buộc Tổng thống Trump phải đáp trả bằng cách nâng thuế, và đây sẽ là ví dụ điển hình cho những gì các quốc gia khác có thể đối mặt nếu lựa chọn con đường đối đầu tương tự.
“Những quốc gia như Trung Quốc – những bên đã chọn trả đũa đang mắc sai lầm nghiêm trọng”, bà tuyên bố.
“Tổng thống Trump có một ý chí sắt đá, ông sẽ không bị khuất phục. Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Mỹ cũng sẽ không bị khuất phục. Ông được dẫn dắt bởi một niềm tin kiên định rằng nước Mỹ phải có khả năng tự sản xuất các mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm, thuốc men cho đến khoáng sản chiến lược, và phải đủ năng lực xuất khẩu chúng ra thế giới. Chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ cũng cần phải được duy trì vững mạnh”, bà Leavitt nhấn mạnh.
Theo Nhà Trắng, chiến lược thuế quan của chính quyền Trump hiện nay tập trung vào mục tiêu xóa bỏ thâm hụt thương mại. Chính quyền đã đưa ra công thức thuế “có đi có lại”, tính toán mức áp thuế dựa trên quy mô thâm hụt thương mại giữa Mỹ và từng đối tác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lập luận rằng thâm hụt thương mại là một vấn đề cần xử lý bằng thuế quan.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại không hoàn toàn là xấu – cũng không phải lúc nào cũng tốt – mà đơn giản là kết quả từ các quyết định kinh tế đôi bên cùng có lợi.
Ông Ryan Young, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh (CEI), từng phát biểu với Fox Business rằng cán cân thương mại “không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của nền kinh tế quốc gia, dù là tốt hay xấu.”
“Trong hơn 50 năm qua, Mỹ luôn duy trì thâm hụt thương mại, nhưng đời sống người dân vẫn được cải thiện theo hầu hết các chỉ số từ thu nhập, tuổi thọ, cho đến tỷ lệ hộ gia đình có điều hòa, có Internet và tiếp cận được các sản phẩm thiết yếu”, ông Young nói.
Ông bổ sung: “Nếu thâm hụt thương mại thực sự gây hại, thì phần lớn những tiện nghi và hàng hóa mà chúng ta sử dụng hằng ngày sẽ không tồn tại.”
Chung quan điểm, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase – ông Jamie Dimon trong thư gửi cổ đông công bố hôm 7/4, cũng nhận xét rằng, thâm hụt thương mại “không nhất thiết là điều tiêu cực”. Ông lưu ý rằng ngay cả khi Mỹ có thể cân bằng thương mại tổng thể, thì nước này vẫn có thể thâm hụt với một số quốc gia và thặng dư với những nước khác.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ tăng thuế nếu Trung Quốc không rút lại các mức thuế trả đũa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đáp ứng yêu cầu này, dẫn đến việc Mỹ thực hiện mức thuế 104% như đã thông báo.
Các quyết định này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu. Cả hai bên đều tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình trong cuộc đối đầu thương mại này.
Phố Wall trượt dốc khi mức thuế 104% được công bố
Theo CBS News, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc vào chiều 8/4 sau khi phục hồi nhẹ vào đầu ngày, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump xác nhận sẽ chính thức áp mức thuế 104% lên hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 12:01 sáng 9/4, theo giờ Mỹ.

Phiên giảm điểm hôm 8/4 là phần tiếp nối của làn sóng bán tháo kéo dài 3 ngày trước đó, vốn đã thổi bay hàng nghìn tỷ USD giá trị thị trường. Giới đầu tư ngày càng lo ngại về tác động tiêu cực của các mức thuế trả đũa quy mô lớn do Tổng thống Trump ban hành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại.
Chỉ số Dow Jones giảm 320 điểm (tương đương 0,84%), chốt phiên ở mức 37.645,59 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,6%, trong khi Nasdaq Composite – vốn tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ – giảm mạnh 2,2%.
“Các mức thuế chồng chéo này sẽ không biến mất,” chuyên gia Adam Crisafulli từ Vital Knowledge nhận định trong một báo cáo. “Dù có khả năng một số con số bị điều chỉnh lại, thì sự gián đoạn lớn đối với thương mại toàn cầu vẫn sẽ gây thiệt hại đáng kể đến tăng trưởng kinh tế – đặc biệt là khi điều đó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại – và sẽ còn tiếp tục đẩy lạm phát tăng cao.”
Đợt phục hồi ngắn vào đầu ngày 8/4 một phần đến từ làn sóng “mua vào khi giá giảm” – chiến lược phổ biến của các nhà đầu tư tận dụng đà sụt giá để gom cổ phiếu giá rẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kéo dài do chiến tranh thương mại có thể kìm hãm khả năng tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp Mỹ.
Tuần này đánh dấu khởi đầu mùa báo cáo thu nhập quý đầu tiên của năm 2025. Delta Air Lines sẽ công bố báo cáo vào 9/4, trong khi các ngân hàng lớn của Mỹ dự kiến sẽ công bố kết quả tài chính vào 11/4. Ngành hàng không – vốn từng dự đoán một năm 2025 tăng trưởng mạnh mẽ – hiện lại nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vòng thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, vào 10/4, chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát mới nhất – yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trước tình hình căng thẳng leo thang, nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed có thể sẽ phải xem xét cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và đối phó với nguy cơ suy thoái.
Hải Lâm / Vietnamfinance.vn