Đây là khẳng định của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp tư nhân ngày 10/2.
Theo đó, ông Dương cho biết sau hơn 25 năm phát triển, THACO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tu xây dựng thương mại dịch vụ và logistics.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/luu-ban-nhap-tu-dong-41.jpg)
Đối với ô tô, THACO hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và đang kiểm soát 32% thị phần. Năm ngoái, doanh nghiệp bán 92.000 xe, năm nay đặt mục tiêu bán 100.000 xe và sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.
“Chúng tôi cũng đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, trong đó xe du lịch là từ 27-40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Chúng tôi đã giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam”, ông Dương nói.
Trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, THACO đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí.
“Trong thời gian tới, vào tháng 9/2025, chúng tôi sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics”, ông Dương tiết lộ.
Nhắc lại định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam, Chỉ tịch THACO khẳng định sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.
Lãnh đạo THACO cũng xin hứa với Thủ tướng sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành.
Tại hội nghị này, THACO cũng xi nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên. Phía doanh nghiệp đánh giá cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dẫn đến việc nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không thành công.
Đối với logistics, THACO cho biết đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên. Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng.
“Nếu thể chế làm nhanh và có đặc thù, thì tôi hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng đến đầu năm 2026 đưa vào vận hành. Khi vận hành, công ty cũng đã đầu tư hai tàu có trọng tải 1000 TEU để kết nối từ Chu Lai đi thẳng ra qua Thượng Hải, từ đó đi châu Âu đi Mỹ, đi Bắc Trung Quốc, đi Hàn Quốc, Nhật Bản thì chắc chắn là chi phí logistics tại miền trung hình sẽ tương đương với 2 miền khác”, ông Dương nói.
Theo Đan Nhi / Vietnamfinance.vn