Huyện Mê Linh (Hà Nội) vừa đấu giá thành công 32 lô đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa. Lô có giá trúng cao nhất gần 50 triệu đồng/m2.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa (đợt 6).
Theo đó, 32 lô đất tại đợt đấu giá lần này có diện tích từ 73,5m2 đến 187,56m2. Giá khởi điểm 21,7 triệu đồng/m2 đến 32,8 triệu đồng/m2.
Kết quả, 32 thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động từ 33,3 triệu đồng/m2 đến 48,9 triệu đồng/m2. Tổng số tiền đấu giá thu về cho ngân sách là gần 140 tỷ đồng, chênh 54 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Được biết, khu đất đấu giá nằm ở vị trí phía Đông Nam giáp đường hiện trạng và Nhà văn hoá thôn Bạch Đa, phía Đông Bắc giáp đường BTN Chi Đông – Kim Hoa, phía Tây Nam giáp khu dân cư.
Khu đất cũng đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các tiện ích như: điện chiếu sáng, nước sạch, cáp ngầm, hệ thống tiêu thoát nước, dải cây xanh, đường giao thông nội bộ,…
Ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất đã quy hoạch, tăng nguồn thu cho ngân sách cấp Huyện, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn Huyện.
Năm 2024, huyện dự kiến tổ chức đấu giá khoảng 500 thửa đất, tập trung chủ yếu ở 4 xã: Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng và Tráng Việt. Các thửa đất đều nằm trong quy hoạch điểm cư dân nông thôn, đã giải phóng mặt bằng và được thành phố giao đất.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau phiên đấu giá, nhiều lô đất được bán chênh khoảng vài trăm triệu đồng. Một môi giới cho biết lô góc nằm tiếp giáp với đường đôi Ngô Miễn có diện tích hơn 187m2 có giá trúng là 46,6 triệu đồng/m2 được bán chênh với giá 300 triệu đồng. Như vậy, để sở hữu lại lô đất này sẽ phải chi khoảng hơn 9 tỷ đồng.
Trong khi đó, chị Thảo, một nhà đầu tư tại khu đất khẳng định là chính chủ của lô đất trên và sẵn sàng bán chênh với giá 350 triệu đồng không qua môi giới. Ngoài ra, chị cũng cho biết lô đất trả giá cao nhất với 48,9 triệu đồng có diện tích 124m2 bán chênh 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn có một lô góc khác được rao bán với giá chênh 120 triệu đồng.
Việc mua bán, sang tay ngay sau các phiên đấu giá không còn xa lạ. Tại huyện Phúc Thọ trước đây, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời cả trăm triệu đồng chỉ sau vài giờ tham gia đấu giá. Tuy nhiên, theo một môi giới, chỉ một số ít lô đất được giao dịch thành công, phần lớn vẫn do nhà đầu tư giữ lại.
Tình trạng này cũng là vấn đề nóng tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra khi người mua tham gia đấu giá, sau khi trúng với giá thấp hơn thị trường, nhanh chóng bán lại với giá cao hơn để hưởng lợi. Điều này trở nên phổ biến trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nhanh, nhu cầu đầu tư lớn, và quỹ đất hạn chế.
Tuy nhiên, việc mua đi bán lại đất trúng đấu giá có thể đẩy giá đất lên cao, làm tăng áp lực cho người dân có nhu cầu thực sự về đất ở và khó tiếp cận được quỹ đất. Đặc biệt, nếu các mảnh đất trúng đấu giá được mua đi bán lại nhiều lần mà không có sự phát triển thực sự, điều này có thể làm chậm quá trình phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị của các khu vực liên quan.