Nhiều trường học cũng như văn phòng công ty tại phía nam Trung Quốc đã phải đóng cửa từ ngày 5/9, hàng chục chuyến bay đã bị huỷ khi siêu bão Yagi tới gần. Theo số liệu chính thức, bão Yagi đã gây ra lũ lụt và lở đất trên đảo Luzon của Philippines, khiến 14 người thiệt mạng.
Siêu bão đến gần
Bão Yagi, cơn bão đã mạnh gấp đôi sau khi đổ bộ vào Philippines vào đầu tuần này, hiện có sức gió liên tục lên tới 209-210 km/h (130 dặm/h) gần mắt bão, trở thành cơn bão mạnh thứ hai trong năm nay trên thế giới sau bão Beryl.
Theo số liệu chính thức, tuần này, bão Yagi đã gây ra lũ lụt và lở đất trên đảo Luzon của Philippines, khiến 14 người thiệt mạng.
Theo Trung tâm Cảnh báo Bão chung của Hải quân Mỹ, cơn bão này có tốc độ gió tương đương với bão cấp 4, với sức gió duy trì tối đa khoảng 150 dặm/giờ.
Vào sáng 5/9, tâm chấn của nó nằm cách thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc 610km về phía đông nam. Bão di chuyển về phía tây với tốc độ 10-15 km/giờ và hướng tới các tỉnh phía nam của Trung Quốc.
Bão Yagi dự kiến sẽ có tác động lớn nhất đến tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, dự kiến đổ bộ vào đất liền vào ngày 6/9.
Đây được đánh giá là cơn bão hiếm vì thông thường, bão mạnh ít khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, chỉ có 9 trong số 106 cơn bão từ năm 1949 đến năm 2023 đổ bộ vào đây.
Ngoài ra, một nhà khí tượng học cho biết Yagi là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đóng cửa trường học, hoãn bay
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết cơ quan quản lý thiên tai của tỉnh Hải Nam đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với bão Yagi lên mức cao nhất vào lúc 11:30 sáng 5/9.
Cùng ngày, chính quyền Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao đã đóng cửa trường học, hoãn các chuyến bay và nâng cảnh báo bão khi cơn bão đang đến gần.
Cụ thể, các dịch vụ làm việc, trường học và giao thông địa phương đã bị đình chỉ từ trưa 5/9 tại Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam.
Đài quan sát thời tiết Hong Kong đã ban hành cảnh báo bão cấp độ thứ 3 (tín hiệu T3) vào chiều 5/9, hạn chế giao thông công cộng qua trung tâm tài chính này.
Sàn giao dịch chứng khoán của thành phố đã dừng giao dịch ngoài giờ vì cảnh báo bão, đồng thời có thể đóng cửa nếu tín hiệu T3 tiếp tục được duy trì vào ngày 6/9.
Ngoài ra, 50 trong số 916 chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Hong Kong vào ngày 5/9, đồng thời khoảng 1.000 nhân viên đã nghỉ qua đêm tại sân bay, một nửa trong số đó được cung cấp nơi nghỉ ngơi, để bắt đầu làm việc vào sáng sớm 6/9.
Cục Giáo dục Hong Kong cho biết các lớp học tại các trường tiểu học và trung học sẽ vẫn tạm dừng vào ngày 6/9.
Tỉnh Quảng Đông đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất do gió mạnh, trong khi trung tâm cờ bạc gần đó là Ma Cao đã nâng tín hiệu báo bão, giống như Hong Kong, vào tối 5/9.
Cây cầu chính nối Hong Kong với Ma Cao và Chu Hải ở Quảng Đông – tuyến đường vượt biển dài nhất thế giới đã đóng cửa vào tối 5/9 cho đến khi có thông báo mới.
Chính quyền địa phương cho biết tất cả các chuyến bay đến và đi từ sân bay Hải Khẩu của Hải Nam sẽ bị đình chỉ từ 8h tối 5/9 đến hết ngày 6/9, đồng thời các bãi biển và điểm du lịch ven biển cũng bị đóng cửa.
Tờ Xinhua cho biết hàng chục nghìn tàu đánh cá đã quay trở lại các cảng ở Hải Nam và những nơi khác để tìm nơi trú ẩn, cùng với gần 70.000 ngư dân. Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết một số dịch vụ tàu hỏa đã bị đình chỉ, bắt đầu từ tối 5/9.
Sáng 6/9, tờ SCMP đưa tin hai người đàn ông và một người phụ nữ ở Hong Kong đã bị thương do bão Yagi và được điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, đã có 32 báo cáo về tình trạng cây đổ và cảnh báo màu hổ phách thứ hai về mưa lớn đã được ban hành.
Tiếp theo đến Việt Nam
Sau miền Nam Trung Quốc, Yagi sẽ di chuyển về phía Việt Nam, hướng đến các khu vực phía bắc và bắc trung bộ xung quanh. Đây là cơn bão số 3 đổ bộ Việt Nam trong năm nay.
Từ ngày 5/9, bão tiếp tục đi thẳng hướng Tây, nhiều khả năng sẽ cắt qua đảo Hải Nam chứ không đi lên eo biển Hải Nam – Lôi Châu như nhận định trước đó.
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn, hồi 07 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Từ đêm 06/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá được dự đoán có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 07/9).
Trong ngày hôm nay (6/9) ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 03.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ngày 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống bão; Khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão; Khuyến cáo người dân ứng phó bão bằng cách chủ động cập nhật thông tin và có các biện pháp phòng, tránh bão.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) khuyến cáo sáng thứ 7 (ngày 7/9) người dân nên ở nhà vì dự báo bán kính hoàn lưu của bão Yagi rất rộng.
Theo SCMP, The Independent, AP, CNA
Quỳnh Anh / Vietnamfinance