Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được chào đón nồng nhiệt khi đến Mông Cổ vào ngày 3/9, khi nước này “phớt lờ” lời kêu gọi bắt giữ ông theo lệnh truy nã quốc tế của Tòa án hình sự quốc tế (ICC).
Mông Cổ trải thảm đỏ đón ông Putin
Đây là chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Nga Putin tới một quốc gia thành viên của ICC kể từ khi cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ vào tháng 3/2023. Trước chuyến thăm, Ukraine đã thúc giục Mông Cổ giao nộp ông Putin cho tòa án ở The Hague, và Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại rằng Mông Cổ có thể sẽ không thực hiện lệnh bắt giữ.
Lệnh này đã đặt chính phủ Mông Cổ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nước này đã chuyển sang chế độ dân chủ vào những năm 1990 và xây dựng quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và các đối tác mới khác. Nhưng quốc gia không giáp biển này vẫn phụ thuộc về kinh tế vào hai nước láng giềng lớn và hùng mạnh là Nga và Trung Quốc.
Tháng 3 năm ngoái, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc “trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga”.
Lệnh này yêu cầu 124 quốc gia thành viên của tòa án, bao gồm cả Mông Cổ, phải bắt giữ ông Putin và chuyển ông đến The Hague để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, trên thực tế ICC gần như không thể can thiệp vào những gì diễn ra ở Mông Cổ nếu nước này không tuân thủ.
Vào tuần trước, khi được hỏi về việc có thảo luận với chính quyền Mông Cổ về lệnh bắt của ICC hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “mọi khía cạnh của chuyến thăm đã được thảo luận kỹ lưỡng”.
Điện Kremlin tuyên bố rằng Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là “vô hiệu và không thể chấp nhận được”. Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Quay lại chuyến thăm Mông Cổ, nhà lãnh đạo Nga được chào đón tại quảng trường chính ở thủ đô Ulaanbaatar bởi đội danh dự mặc quân phục màu đỏ và xanh rực rỡ theo phong cách của đội cận vệ riêng của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ XIII.
Đám đông người dân theo dõi khi ông Putin và Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa bước lên những bậc thang trải thảm đỏ của Cung điện Chính phủ và cúi chào bức tượng Thành Cát Tư Hãn trước khi vào tòa nhà để họp.
Mông Cổ và Nga đã ký các thỏa thuận thiết kế và nghiên cứu tính khả thi của việc nâng cấp nhà máy điện tại Ulaanbaatar và đảm bảo cung cấp nhiên liệu hàng không của Nga cho Mông Cổ. Nga cũng đã phác thảo các kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt giữa hai nước.
Ông Putin đã mời tổng thống Mông Cổ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia BRICS, một nhóm bao gồm Nga và Trung Quốc cùng nhiều nước khác, tại thành phố Kazan của Nga vào cuối tháng 10. Ông Khurelsukh được cho là đã chấp nhận tham dự, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.
Mắt xích quan trọng trong đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc
Mông Cổ vốn nằm trên tuyến đường ống dẫn khí đốt mới nối Nga và Trung Quốc. Nga đã đàm phán trong nhiều năm về việc xây dựng đường ống vận chuyển 50 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal đến Trung Quốc qua Mông Cổ.
Dự án Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) là một phần trong chiến lược của Nga nhằm bù đắp cho phần lớn lượng khí đốt bị mất tại châu Âu kể từ khi bắt đầu chiến sự Ukraine. Đây là dự án kế nhiệm cho đường ống hiện có cùng tên, vốn đã cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc và dự kiến sẽ đạt công suất theo kế hoạch là 38 bcm mỗi năm vào năm 2025.
Theo Moscow Times, đường ống này sẽ là đường ống đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.
Khoảng 1/3 dự án này được cho là sẽ được xây dựng tại Mông Cổ, nơi có chung đường biên giới với cả Trung Quốc và Nga.
Việc phê duyệt đường ống này được cho là sẽ thay đổi “vận mệnh” của tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom. Tuy nhiên, dự án này gần đây được cho là vấp phải nhiều trở ngại khi Bắc Kinh đang có lập trường khá cứng rắn đối với Power of Siberia 2.
Dự án mới này từ lâu đã bị sa lầy vào các vấn đề chính như giá khí đốt. Tuy nhiên, ông Putin cho biết vào đêm trước chuyến thăm Mông Cổ rằng công tác chuẩn bị, bao gồm nghiên cứu tính khả thi và kỹ thuật, đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Ông dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh về đường ống này trong chuyến thăm.
Theo AP, Reuters
Minh Đăng / Vietnamfinance