Tại TP.HCM, dù thị trường chưa hết khó khăn nhưng tâm lý sợ bị bỏ lỡ đã xuất hiện ở phân khúc nhà chung cư. Giá tăng mạnh, chủ nhà huy kèo chấp nhận đền cọc, người mua đẩy giá lên cao đồi chốt ngay.
Chủ nhà sẵn sàng hủy kèo, đền cọc
Giá nhà chung cư hiện nay tăng mạnh bất chấp thị trường chung vẫn được dự báo là chưa hết khó khăn. Trong tình hình đó, nhiều người đi mua căn hộ tại TP.HCM không khỏi kinh ngạc khi liên tục bị chủ nhà hủy cọc, tâm lý mua vì FOMO xuất hiện.
“Khoảng 10 ngày nay, tâm lý FOMO (Fear of missing out – sợ bị bỏ lỡ) khiến nhiều người vừa đi xem căn hộ chung cư đã chốt cọc ngay, một phần họ lo giá còn leo thang, một phần vì thực tế mua bán, đã có nhiều người đi mua bị hủy cọc”, anh Nguyễn Tùng, một môi giới căn hộ tại quận 4, TP.HCM nhận định.
Anh Tùng cho hay, cùng thời điểm này vào năm ngoái, hàng loạt căn hộ ở các dự án chạy dọc Bến Vân Đồn thuộc quận 4 hầu như không có giao dịch, dù nhà hoàn thiện khá đẹp, cho thuê với giá cao. Nhưng từ đầu năm 2024, lượng khách phía Bắc vào chốt khá đông, đặc biệt từ đầu tháng 6 tới nay thì hiện tượng người mua bị chủ nhà lật kèo đã diễn ra nhiều.
“Khách hàng của tôi từ Hà Nội bay vào đặt cọc mua 2 căn hộ tại dự án SaiGon Royal 35 Bến Vân Đồn, mỗi căn đặt 200 triệu đồng và hẹn sau 2 tuần sau sẽ giao dịch, nhưng mới đây chủ nhà tuyên bố sẵn sàng đền cọc và không bán nữa, lý do chủ yếu cho giá tăng nhanh”, anh Tùng cho biết.
Tìm hiểu tại một số văn phòng môi giới BĐS tại khu vực quận 4, phóng viên ghi nhận, giá các căn hộ chung cư tại dọc con đường Bến Vân Đồn, được xem là đẹp nhất quận 4, chỉ cách trung tâm quận 1 chưa đầy 5 phút đi bộ đã tăng từ 10-20% trong 3 tháng gần đây.
Theo đó, căn hộ hai phòng ngủ diện tích khoảng 75m2 tăng từ 4,2 tỷ đồng lên 4,8-5 tỷ đồng/căn tùy vị trí. Một số căn 3 phòng có “view” nhìn ra sông Sài Gòn tăng từ 6,5 tỷ đồng tới 7,5-8 tỷ đồng/căn. Trước đây các căn “studio” khá khó bán, thì nay người mua thậm chí không cần xem nhà, “chốt” mua qua hình ảnh với giá tăng từ 2,7 tỷ đồng lên 3,2 tỷ đồng/căn.
Chị Vũ Thu Hòa, trưởng một nhóm nhà đầu tư thứ cấp đến từ Hà Nội vào TP.HCM tìm mua nhà cho biết, năm ngoái thì nhóm đầu tư chúng tôi thường nghiên cứu và cân nhắc khá lâu trước khi quyết định xuống tiền. Gần đây, ngày càng nhiều người chốt mua nhanh, khiến chúng tôi vừa đi xem xong cũng đã đặt cọc luôn và chốt cọc với số tiền lớn nếu không sẽ bị lật kèo.
Ngoài lý do nhu cầu dồn nén trong khi nguồn cung ít ỏi, chị Hòa cho rằng, nhiều người gấp gáp mua chung cư lúc này vì sợ giá tiếp tục leo thang, không còn ở ngưỡng hợp lý, chị chia sẻ.
Lên một số trang giao dịch BĐS để tìm mua chung cư Masteri Thảo Điền (TP.Thủ Đức – TP.HCM), một Việt kiều Úc cũng ngỡ ngàng vì dịp nghỉ Tết chị mới hỏi mua thì giá chỉ ở mức 5 tỷ đồng/’căn cho hai phòng ngủ 79m2 nay đã tăng lên 6.8 tỷ đồng/căn.
“Tôi vẫn giữ liên lạc với môi giới, khi có thông tin giá tăng chóng mặt, tôi nghĩ chắc cũng chỉ tăng chút và nán thêm chờ tới thời điểm rút được sổ tiết kiệm, nhưng lần này về để chốt mua thì tôi không thể mua nổi. Môi giới có giải thích với tôi là người dân phía Nam thích trữ vàng nên khi giá vàng tăng và đã bán ra chốt lời, thì ngay lập tức, giá căn hộ chung cư tăng nhanh do nhu cầu mua tăng đột biết”, vị Việt kiều này chia sẻ.
Cũng tại dự án chung cư này, một khách hàng mới đây đã bị chủ nhà hủy giao dịch, phạt cọc do thanh toán chậm chỉ 1 ngày.
“Không những không mua được nhà mà tôi còn bị chủ nhà lấy luôn tiền cọc chỉ vì tôi đi công tác xa và không thể thu xếp giao dịch dù trễ một ngày. Tôi cũng hơi chủ quan vì nghĩ thị trường vẫn chưa hết khó khăn, tiền mặt vẫn rất quý và người bán chắc chắn cần thanh khoản chứ không thể ngờ, tâm lý người bán hoàn toàn muốn giữ lại nhà, do giá tăng nhanh”.
Dự án mới cũng có mức giá quá cao
Anh Vũ Trần, một nhà đầu tư tại quận 1 chia sẻ, dù ngày nào facebook của anh cũng nhận được lời chào mời mua dự án chung cư mới, nhưng theo dõi cả 2 tháng nay, anh không dám chốt đầu tư một sản phẩm nào do mức giá anh cho là bất hợp lý.
“Ví dụ một dự án chung cư được quảng cáo là thuộc phân khúc cao cấp nằm trên đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) của Tập đoàn Gamuda Land vừa chào bán đợt đầu tiên trong tháng 5, rổ hàng hơn 2.000 căn được chủ đầu tư chào bán từ 130 triệu đồng mỗi m2. Nếu tính cả thuế và phí, giá nhà lên ngưỡng 146 – 155 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, tôi phải trả mức giá 6 – 7 tỷ đồng để sở hữu một căn hộ một phòng ngủ rộng 50m2 còn căn hộ hai phòng ngủ rộng 70 – 80m2 có giá lên đến trên 10 tỷ đồng. Đầu tư như vậy là khó có hiệu quả”, anh Vũ Trần chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giá mới nhất của một số dự án chung cư tương tự tại khu vực TP.Thủ Đức cũng “neo” ở mức quá cao.
Ví dụ Metropole tại TP.Thủ Đức, nếu như giai đoạn 1, khu Gallera có giá khoảng 160 triệu đồng/m2 thì nay giai đoạn 2 khu Opera được chủ đầu tư là SonKim Land chào bán với giá 250 triệu đồng/m2. Tại khu vực quận 9 cũ (TP.Thủ Đức), một phân khu mới với 4 tòa căn hộ đang được lên kế hoạch mở bán, với giá rumor (giá dự kiến) khoảng 127 triệu đồng/m2, trong khi giai đoạn trước đó giá chỉ hơn 100 triệu đồng/m2. Dự án Tilia Empire City sát bên giá 150 triệu đồng/m2 hay dự án Zeit Thủ Thiêm giá khoảng 185 triệu đồng/m2…
Ngay tại khu vực Quận 6, Bình Tân, một số chủ đầu tư mới mở bán một khu chung cư mới nhưng chào ở mức giá khoảng 48-60 triệu đồng mỗi m2, trong khi những căn hộ đã giao nhà tại đây vào cuối năm ngoái có giá từ 32 – 40 triệu đồng/m2.
“Nhiều nhà đầu tư cá nhân thắc mắc, vì sao đang khó khăn mà giá vẫn tăng thì câu trả lời là tất cả các chi phí đầu vào đều tăng, như giá đất tăng mạnh, pháp lý kéo dài khiến chi phí vốn tăng, giá vật tư cũng tăng… Ngoài ra do nguồn cung rất khan hiếm, trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn nên nhiều chủ đầu tư có hàng đều tăng giá. Đáng nói, dù ai cũng biết giá nhiều dự án tăng giá một cách vô lý nhưng thực tế hàng vẫn bán được”, giám đốc một sàn môi giới BĐS ở Thủ Đức cho hay.
Vị này cũng phân tích, giá xây dựng như giá vật liệu cát tăng hơn 2 lần, đá tăng gần gấp đôi, xi măng, gạch xây tăng, lương nhân công xây dựng thực tế tăng 1,5 lần. Ngoài ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy chữa cháy yêu cầu cao hơn nên chi phí cũng tăng. Nếu so với các mặt hàng khác như vàng, chứng khoán, các dịch vụ thiết yếu đều tăng thì việc BĐS tăng cũng dễ hiểu.
Đồng quan điểm, giám đốc tư vấn của Công ty tư vấn BĐS Đông Nam Land cũng chia sẻ, lý do tăng giá là chi phí đầu vào gia tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Trong khi đó, đa số các dự án đều chi mạnh cho tiện ích và chất lượng nên dự án sau bao giờ cũng có giá cao hơn dự án trước. Một phần nữa là đà tăng giá xuất phát từ tình trạng nguồn cung khan hiếm kéo dài trong khi nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng cao. Hiện nay thị trường đang hướng đến giới có tiền, những người ít tiền phải chấp nhận đi xa hơn, “dạt” về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An để mua nhà.
Nhìn nhận người dân lo ngại giá chung cư tiếp tục tăng là điều dễ hiểu, nhưng vị giám đốc khuyến nghị người mua cần xem xét kỹ dự án, cân nhắc cả giá trị sử dụng thực tế và mức độ hợp lý của giá bán. Bởi nhiều chung cư rao ngưỡng cao, giá bị đẩy lên so với giá trị thực tế. Người mua vẫn có nhiều giải pháp như tiếp tục sử dụng nhà ở hiện thời hay thuê chung cư với giá hợp lý.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định, giá bán bình quân chung cư hiện nay chưa phản ánh hết thực trạng chung của thị trường. Bởi trong một giai đoạn ngắn, thị trường chưa có sự tham gia của nhiều chủ đầu tư, nguồn cung mở bán mới không nhiều đã đẩy giá trung bình của thị trường lên cao. TS Ánh nhận định, tốc độ tăng giá sản phẩm này thời gian tới khó dâng cao như giai đoạn trước. Do đó, người mua nhà cần bình tĩnh, đón chờ nhiều cơ hội đang ở phía trước khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có mức giá hợp lý đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm triển khai sau khi tháo gỡ về mặt pháp lý.
Nam Phương / Vietnamfinance