Ba năm trở lại đây, lần lượt các lãnh đạo của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đều vướng vòng lao lý vì các sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này.
Lãnh đạo liên tục bị khởi tố
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM.
Theo đó, ông Phan Phạm Hà bị bắt về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Nhiều năm liền trước đó, các lãnh đạo của VEAM cũng chịu chung số phận như ông Phan Phạm Hà khi đều vướng vào lao lý vì các sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, hồi tháng 10/2022, Công an TP. Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng giám đốc VEAM. Cùng bị khởi tố với ông Giang còn có Phó tổng giám đốc VEAM Hồ Mạnh Tuấn.
Ông Giang và ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nhà chức trách cáo buộc trong năm 2005 và 2011, ông Giang chỉ đạo ông Tuấn (lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea) lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ôtô SV110.
Việc mua phụ kiện này bị cơ quan điều tra cho rằng không đúng quy định về đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước. Số tài sản trên do không có giá trị sử dụng nên bỏ không, gây lãng phí cho Nhà nước gần 27 tỷ đồng.
Vào năm 2023, ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM cũng bị tuyên án 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát.
Ông Hà bị cáo buộc với tư cách là Chủ tịch HĐTV (2011-2014), Tổng giám đốc (2015-2018) đã để cho cấp dưới tại VEAM tham mưu, trình và ký các chứng thư bảo lãnh vay cho Vetranco. Ông Hà cũng là người quyết định chi tiền cho hai dự án bị dừng giữa chừng.
Những hành vi nêu trên của ông Hà gây thiệt hại cho VEAM hơn 127 tỷ đồng.
Cùng tội danh, cựu Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang cũng bị phạt 8 năm tù, do là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiệt hại do ký chứng thư bảo lãnh cho Vetranco.
Xót xa tài sản nghìn tỷ phơi nắng, dầm mưa
Không chỉ lãnh đạo vướng lao lý, nhiều năm liền gần đây, nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hóa cũng tồn kho hàng nghìn chiếc xe trong cảnh “phơi nắng, dầm mưa”, xuống cấp nặng nề.
Năm 2004, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Motor) có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hoá. Thời điểm đó, lãnh đạo VEAM Motor tiến hành mua nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô cũ của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc để chuyển về Việt Nam, sau khi Samsung lâm vào khủng hoảng tài chính năm 1997.
Thời điểm VEAM trúng thầu mua nhà máy sản xuất ô tô tải của Samsung, nhà máy đã dừng hoạt động 5 năm (2000). Và đến khi hoàn tất quá trình bốc dỡ, di chuyển về Việt Nam, đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm đầu tiên (2009-2010), dây truyền của nhà máy nói trên đã không hoạt động gần 10 năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM khi đó khẳng định, nhà máy này của Samsung tại Hàn Quốc được đầu tư bài bản, có chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Nissan (Nhật Bản), đã từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu.
Cụ thể, nhà máy này có trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) với các phòng thí nghiệm ô tô, động cơ ô tô, sức bền vật liệu,… và các dây chuyền sản xuất chính như sơn tĩnh điện, sơn phủ; hàn ca bin; lắp ráp động cơ xe tải nhẹ và xe tải nặng; lắp ráp hộp số; lắp nội thất xe; dây chuyền dập chi tiết thân xe,… được đầu tư đồng bộ và rất hiện đại, với tất cả thiết bị của nhà máy đều được chế tạo vào những năm 1995, 1996, 1998… tại Nhật, các nước G7 và Hàn Quốc.
Vào tháng 7/2004, VEAM tiến hành lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Theo kế hoạch, VEAM sẽ vận chuyển nhà máy ô tô từ Hàn Quốc chuyển về Việt Nam lắp ráp, cho sản xuất sau 18 tháng. Mục tiêu ban đầu Nhà máy này sẽ sản xuất các dòng xe tải nhẹ (dưới 1 tấn) công suất 25.000 xe/năm, dựa trên công nghệ gốc của Samsung; xe tải trung và nặng (dưới 10 tấn) 5.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Daewoo; xe khách 3.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Yutong (Trung Quốc). VEAM đặt mục tiêu nội địa hóa đạt 30%, giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước.
Việc chuyển dây chuyền từ Hàn Quốc về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, phải đến năm 2008 (sau gần 4 năm triển khai dự án), quá trình chuyển dây chuyền này về Việt Nam mới hoàn tất. Năm 2009 – 2010, nhà máy của VEAM hoàn thiện, đi vào sản xuất những chiếc xe đầu tiên.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, lắp ráp không đạt mục tiêu đề ra, VEAM chỉ đạt sản lượng hơn 3.000 xe/năm. Sản lượng thấp, không đạt hiệu quả tài chính nên từ khi hoạt động Nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hoá luôn trong tình trạng bất ổn do thua lỗ. Hàng năm công ty mẹ của VEAM vẫn phải rót tiền để duy trì hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng.
Hàng tồn kho vào thời điểm 31/12/2018 là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ 2017 trở về trước là 2.355 (tiêu chuẩn khí thải Euro2) và xe sản xuất từ 2015 về trước là 219 xe. Trong đó, có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Theo báo cáo, thực chất số xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Việc này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm.
Từ năm 2021 đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần đấu giá và liên tục giảm giá khởi điểm nhưng hàng nghìn chiếc ô tô VEAM hiện vẫn đang tồn kho trong sân bãi của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa.
Linh Lan / Vietnamfinance