Theo tờ SCMP, từ đầu năm tới nay, hơn 30 quan chức nhà nước, chủ ngân hàng và giám đốc tài chính Trung Quốc đã bị bắt giữ do liên quan tới tham nhũng. Mới đây nhất, Bộ trưởng nông nghiệp nước này cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật pháp và kỷ luật.
Bộ trưởng Nông nghiệp bị điều tra
Theo các phương tiện truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã và Caixin đưa tin ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Tang Renjian đang bị điều tra.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) thông báo rằng ông Tang đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật Đảng Cộng sản”. Thuật ngữ này thường được CCDI sử dụng cho hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, thông báo từ CCDI không đưa thêm bất kỳ thông tin gì về trường hợp của ông Tang.
Việc một quan chức cấp như ông Tang bị điều tra mà không bị cách chức trước tiên là điều hiếm khi xảy ra.
Đáng chú ý, ông Tang vẫn xuất hiện trước công chúng và có bài phát biểu vào 3 ngày trước, tức ngày 15/5, tại một hội nghị về tài năng nông thôn.
Ông Tang Renjian, sinh tháng 8/1962, quê ở Trùng Khánh, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 3/1991, bắt đầu công tác từ tháng 8/1983. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, chuyên ngành kinh tế công nghiệp và có bằng tiến sĩ kinh tế, chuyên gia kinh tế cao cấp.
Theo tiểu sử cán bộ, ông Tang là thống đốc tỉnh Cam Túc phía tây từ năm 2017 đến năm 2020 trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.
Hơn 30 quan chức “sa lưới” tham nhũng từ đầu năm
Trong một diễn biến liên quan, tờ SCMP đưa tin hơn 30 quan chức quản lý cấp nhà nước, chủ ngân hàng và giám đốc điều hành tài chính cấp cao của Trung Quốc đã bị bắt giữ trong năm nay.
Người mới nhất bị sa thải là Lou Wenlong, 66 tuổi, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC).
Ngày 16/5, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng ra thông báo trên trang web rằng ông Lou đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật”, tương tự với lý do điều tra ông Tang Renjian.
Được biết, ông Lou Wenlong phụ trách xử lý nợ xấu tại ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017.
Theo thống kê của tờ SCMP, 17 trong số hơn 30 quan chức bị bắt trong vòng 5 tháng qua đều là quản lý cấp cao của các ngân hàng quốc doanh hoặc các chi nhánh khu vực của các ngân hàng này.
Trong số này, có 4 quan chức đã nghỉ hưu của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB): cựu phó chủ tịch Li Jiping, cựu giám đốc chi nhánh tỉnh Sơn Đông và Cát Lâm Yu Zeshui và Zhang Chi, và cựu phó chủ tịch chi nhánh Thanh Hải Wang Zhun.
Là một trong 3 tổ chức cho vay chính sách của đất nước, CDB được giao nhiệm vụ tài trợ cho các dự án phát triển quy mô lớn của chính phủ. Ngân hàng này gần đây liên tục liên đới vào những vụ tham nhũng lớn bị “phanh phui”. Một trong những vụ án nổi tiếng nhất, cựu chủ tịch Hồ Hoài Bang đã bị kết án tù chung thân vào năm 2021 vì nhận hối lộ 85,5 triệu NDT (11,8 triệu USD).
Gần đây, 11 nhà quản lý cấp cao của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã bị điều tra. Điều này cho thấy các ngân hàng “big four” của Trung Quốc đều đang dính líu tới tham nhũng.
Các công ty bảo hiểm nhà nước cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Liu Anlin, cựu chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc; Sun Jian, nguyên phó tổng giám đốc chi nhánh tỉnh Quảng Tây của Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc; và Du Jintao, cựu tổng giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của Bảo hiểm nhân thọ Taiping Trung Quốc cũng đang bị điều tra.
Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết những người có quyền phê duyệt các khoản vay thương mại lớn luôn là mục tiêu nổi bật của hối lộ vì “lợi nhuận thu được từ những khoản hối lộ đó có thể cao hơn gấp trăm lần”.
Quyết tâm “dẹp” tham nhũng của Bắc Kinh
Các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có thêm nhiều người đứng đầu bị điều tra khi Bắc Kinh quyết tâm dập tắt mọi rủi ro liên quan đến tham nhũng tài chính và duy trì sự ổn định kinh tế. Nhiều chuyên gia cho biết các cuộc điều tra tham nhũng đang diễn ra sau khi các quan chức bị cáo buộc thông đồng với các chủ ngân hàng và giám đốc điều hành để phê duyệt các khoản vay để đổi lấy tiền lại quả và các đặc ân khác.
Các vụ việc liên quan đến cơ quan quản lý hiện chỉ chiếm khoảng 10% các cuộc điều tra của CCDI trong lĩnh vực tài chính, nhưng tác động của chúng có thể rất sâu rộng. Các nhà phân tích cho biết một số cơ quan quản lý này là những nhân vật nổi tiếng của công chúng và việc những người này bị điều tra đã khiến ngành tài chính chấn động.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho CCDI tập trung nỗ lực vào lĩnh vực tài chính, cảnh báo về “các vấn đề nổi bật” như “các rối loạn và tham nhũng tài chính tái diễn cũng như năng lực quản lý và giám sát tài chính yếu kém”.
Phát biểu tại một hội nghị công tác tài chính hồi tháng 10/2023, ông Tập cho rằng Trung Quốc phải “tăng cường giám sát tài chính một cách toàn diện”, trong đó khẳng định lại sự cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Đảng Cộng sản để chống lại các rủi ro hệ thống.
Vào tháng 1/2024, ông Tập đã vạch ra lộ trình để Trung Quốc trở thành một “siêu cường tài chính” tập trung vào nền kinh tế thực, đồng thời nêu bật những nhiệm vụ cấp bách hơn trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính đang gia tăng và kêu gọi CCDI “hoàn toàn không thương xót” trong cuộc chiến chống tham nhũng “nghiêm trọng và phức tạp”.
Theo SCMP, Reuters
Quỳnh Anh / Vietnamfinance