Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm tăng rất mạnh, có ngân hàng tăng gần 50%.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng.
Trước đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã bơm thêm gần 186.500 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,57%, tương đương quy mô tăng thêm là gần 663.900 tỷ đồng. Như vậy, hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm được đóng góp bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nghĩa là cứ 100 đồng tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm thì có 28 đồng chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh trong khi cho vay cá nhân tăng chậm.
Đơn cử, tại Techcombank, tới cuối tháng 9, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng, tỷ trọng cùng kỳ năm ngoái là 26,4%. Còn dư nợ cho vay cá nhân tại Techcombank giảm tới 9,2%.
Tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tới cuối tháng 9 tăng 45% lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong khi cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.
Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại MSB đến cuối tháng 9 tăng 20% trong khi cho vay cá nhân tăng 5,8%.
Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua của nhà điều hành đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, như điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Ngay những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm giữa bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 2,0% so cuối năm 2022).
Mặt khác, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước) và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng là hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Sau giai đoạn trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, thị trường bất động sản đã bắt đầu có ít giao dịch trở lại từ tháng 5, tập trung chủ yếu ở loại hình nhà ở thực. Tuy vậy, thị trường được đánh giá vẫn đang hồi phục chậm do tâm lý chờ đợi, thận trọng bao trùm.
Trong Công điện Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Mai Anh / Vietnamfinance