Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Giá mới được áp dụng từ 15 giờ hôm nay.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng/lít, lên 24.190 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, lên 25.740 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít lên 23.590 đồng/lít.
Như vậy, mặt hàng xăng đã có lần tăng trở lại sau phiên giữ nguyên giá vào ngày 11/9. Trong 8 phiên điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã tăng tới 7 lần.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; không chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với dầu madút (kỳ trước chi 27 đồng/kg); chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với 02 mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước xăng E5RON92 chi 22 đồng/lít, xăng RON95 chi 14 đồng/lít, dầu điêzen và dầu hỏa không chi).
Như vậy, từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 27 kỳ điều chỉnh; trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá.
Đến nay, so với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng khoảng 3.300 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng khoảng 3.400 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết tổng số trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong quý II (từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6) là 1.779,2 tỷ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý là 5,9 tỷ đồng.
Với việc số dư quỹ BOG tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Trong vòng hai tháng lại đây, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, trong đó RON 95 sắp chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít, trong khi Quỹ Bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng (tính đến hết quý II) nhưng số chi Quỹ bình ổn giá lại khá nhỏ giọt. Dù vậy, trong thời gian này, mức độ trích lập quỹ đã giảm đáng kể để giảm bớt áp lực lên giá bán lẻ.
Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng E5 tăng 1.220 đồng/lít, còn xăng RON95 tăng 1.300 đồng/lít, nhưng liên Bộ Công Thương – Tài chính không chi quỹ bình ổn giá cho 2 loại xăng.
Đến kỳ điều chỉnh ngày 11/8, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít song liên Bộ cũng không chi Quỹ bình ổn giá cho mặt hàng này. Nhưng cũng dừng trích lập quỹ với tất cả các mặt hàng.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý II, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6 cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.
Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,3 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 454 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – CTCP với 397 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với 333 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV – Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 307 tỷ đồng…
Báo cáo cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Cụ thể, đứng đầu là Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm 32,2 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An âm 12,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 4,1 tỷ đồng.
Trần Lê – Huyền Trang / Vietnamfinance