Sự xuất hiện gần đây của chiếc tàu ngầm hạt nhân ở hải phận Pháp thể hiện ý đồ Nga đem vũ khí hạt nhân ra dọa phương tây, theo Newsweek.
Báo Người quan sát (Pháp) đưa tin một chiếc tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga xuất hiện tại Vịnh Gascoigne trong lãnh hải Pháp vào đầu tháng 1. 2016.
Với tầm hoạt động của tên lửa đạn đạo tầm xa được trang bị trên tàu lên đến trên 8.000 km, việc chiếc tàu ngầm áp sát vùng biển Pháp, không mang giá trị chiến lược quân sự, mà là một thông điệp rõ ràng rằng Nga đem vũ khí hạt nhân ra dọa phương tây.
Sử dụng tàu ngầm có thể phóng tên lửa tầm xa chứa đầu đạn hạt nhân từ lâu đã là một yếu tố quan trọng trong sách lược quân sự của Mỹ và Nga.
Riêng Mỹ sử dụng tàu ngầm làm bệ phóng cho 60% số đầu đạn hạt nhân của họ.
Tàu ngầm có lợi thế một khi ra đại dương trở nên rất khó phát hiện, và có khả năng hoạt động độc lập cao. Ví dụ những chiếc tàu ngầm thuộc lớp Ohio của Mỹ thường được giao nhiệm vụ tuần tra những vùng biển sâu, nơi chúng có thể dễ dàng tránh bị phát hiện.
Ngược lại, những lợi thế này của tàu ngầm hầu như không còn khi đến gần bờ. Lúc này, tàu trở nên dễ bị phát hiện hơn, cũng như không có nhiều chỗ để tránh tàu địch.
Chiếc tàu ngầm Nga xuất hiện ngoài khơi nước Pháp được cho là thuộc lớp Delta. Tàu thuộc lớp này có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo SS-N-23, với mỗi tên lửa chứa nhiều đầu đạn hạt nhân và có tầm hoạt động trên 8.000 km.
Với tầm hoạt động này, tên lửa có thể được phóng thẳng đến Paris từ nơi tàu đang neo tại bến cảng quân sự trên bán đảo Kola, phía bắc nước Nga.
Hoặc tàu chỉ cần di chuyển đến vùng đại dương giữa Na Uy và Greenland là có thể phủ tầm hoạt động của tên lửa lên toàn bộ châu Âu và phần lớn nước Mỹ.
Về mặt quân sự, sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Nga ngoài khơi Pháp là không những không cần thiết, mà còn khiến tàu dễ bị tiêu diệt hơn.
Tuy nhiên, đây lại là thông điệp hăm dọa rõ ràng của Nga gửi đến các nước phương tây.
Từ vài năm qua, đặc biệt là sau khi thâu tóm bán đảo Crimea, Kremlin đã không ngừng đá động đến vấn đề vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Vladimir Putin thường xuyên nhắc nhở thế giới về kho đạn hạt nhân khổng lồ của Nga. Báo chí nhà nước Nga cũng không ngại ca tụng sức mạnh hạt nhân của xứ bạch dương.
Tháng 3.2015, Đại sứ Nga tại Đan Mạch dọa thẳng sẽ tấn công nước này bằng tên lửa hạt nhân, nếu Copenhagen đồng ý tham gia vào chương trình phòng vệ tên lửa của NATO.
Moscow thường xuyên đưa máy bay ném bom Tu-95, cũng có thể mang theo bom hạt nhân, đến lượn lờ gần không phận của Mỹ, Canada và các nước thành viên NATO tại châu Âu.
Có vẻ như trong lúc những căng thẳng đang leo thang tại châu Âu, Nga đã không ngần ngại thể hiên một thái độ cứng rắn với kho đạn hạt nhân trong tay, và đang muốn thế giới thấy rằng Kremlin sẽ sẵn sàng sử dụng số vũ khí này trong trường hợp cần thiết.
Sự xuất hiện của tàu ngầm, cùng với máy bay ném bom nguyên tử Nga gần lãnh thổ các nước phương tây trong lúc này là không gì khác ngoài hành động “nắn gân” bằng vũ khí hạt nhân của Moscow.
Huỳnh Hy (theo Newsweek)
Theo Một Thế Giới