Ở Italy hay Ấn Độ, các hãng xe máy đều phải nhận tin xấu khi bán được chỉ khoảng một nửa số xe so với cùng kỳ 2019.
Đầu năm, các chuyên gia từng dự đoán khủng hoảng toàn cầu sẽ tác động lớn tới ngành công nghiệp xe máy. Một khi các hãng sản xuất cũng như các đại lý đóng cửa do phải cách ly xã hội, thị trường có thể chịu sự sụt giảm nặng nề, cả về sản lượng và doanh số.
Giờ đây, các báo cáo kinh tế tháng 3 đã có, và tác động xấu đã trở thành thực tế. Trong năm 2019, doanh số xe máy giảm, nhưng tác động từ dịch Covid-19 chưa dừng lại, và hậu quả được phản ánh rõ tại một số thị trường, như Ấn Độ và châu Âu.
Tại Ấn Độ, thị trường xe máy lớn nhất thế giới, các hãng sản xuất nội địa chứng kiến mức giảm sâu trong tháng 3. Doanh số cùng kỳ so với năm trước đều giảm ở nhiều hãng, như Hero (-43%), Royal Enfield (-44%), Bajaj (-55%) và TVS (-62%).
Các hãng nước ngoài cũng không nằm ngoài tình hình chung. Suzuki Ấn Độ bán kém hơn 42% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, một số ít vẫn tăng trưởng, như Honda với 10%. Và Suzuki cũng dự báo mức tăng nhẹ 5,7% trong năm tài khóa 2019-2020.
Ở châu Âu, thị trường xe máy Italy giảm doanh số giảm 66% trong tháng 3. Xe ga và xe đạp máy giảm 62%, trong khi xe máy và môtô là 69%. Tuy nhiên, thị trường xe máy của quốc gia này đã tăng trong hai tháng đầu tiên của năm, trước khi giảm sâu vào tháng 3.
Tính tổng doanh số của quý I, Italy giảm 24% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xe bán chạy nhất là BMW R1250 GS.
Trong khi phần lớn các nhà máy và đại lý vẫn đóng cửa, hiện rất khó dự báo doanh số của tháng 4. Các hãng vẫn tỏ ra lạc quan vào tương lai, với hy vọng rằng ngành công nghiệp sẽ tăng trở lại khi các biện pháp cách ly xã hội được gỡ bỏ, thị trường hoạt động bình thường và khách hàng lại đi mua xe.
Tại Việt Nam, Hiệp hội các hãng xe máy cho biết doanh số quý I là 731.077 chiếc, giảm 3,03% so vời cùng kỳ 2019.
Mỹ Anh (Theo RideApart) / Vnexpress