Hà Nội hướng tới cấm xe xăng chạy vào các vành đai. Chuyên gia cho rằng chính sách này có thể hỗ trợ triển vọng kinh doanh của một số nhóm doanh nghiệp.
Xu hướng phương tiện sử dụng năng lượng sạch
Theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Cũng trong Chỉ thị 20, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ với xe chạy xăng, dầu trong khu vực trung tâm.

Trước đó, vào tháng 12/2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ), có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm chính sách này tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc thực hiện vùng LEZ sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.
Những vùng LEZ sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, từ việc khoanh vùng, thí điểm hạn chế xe máy xăng sẽ có thể rút kinh nghiệm, xây dựng bộ khung chính sách cụ thể, hiệu quả chung cho việc giảm thiểu xe cá nhân, xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn địa bàn TP. Hà Nội.
Trước mắt, Hà Nội cần nhanh chóng bắt tay vào thí điểm xây dựng các vùng phát thải thấp, qua đó định lượng những khó khăn, thử nghiệm giải pháp để lựa chọn phương án tối ưu cho các khu vực rộng lớn hơn và toàn thành phố.
Chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan cho rằng, không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền TP. Hà Nội cũng sẽ phải tìm ra giải pháp cho những vấn đề như: cấm xe máy xăng bằng cách nào, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện ra sao…
“Chỉ riêng khu vực bên trong Vành đai 1 thôi đã có hàng trăm, nghìn đường ngang ngõ tắt, người dân sở hữu hàng triệu chiếc xe máy xăng. Nếu cấm thì kiểm soát bằng cách nào? Chỉ bằng sức người kiểm tra xử phạt thì không thể hiệu quả” – ông Đỗ Cao Phan cho biết.
Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, để hạn chế xe máy xăng, tiến tới cấm tuyệt đối ở một số khu vực cần các giải pháp thiết thực và hữu hiệu để hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Việc đầu tiên cần làm là nâng cấp, hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP. Hà Nội.
Ngoài ra, để cấm được hàng triệu xe máy xăng đi vào khu vực bên trong Vành đai 1, Vành đai 2 và xa hơn nữa là Vành đai 3, TP. Hà Nội cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Hà Nội cấm xe xăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán ASEAN, nhận định các chính sách, nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường có thể hỗ trợ triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch do nhu cầu chuyển đổi phương tiện giao thông tăng dần; các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, vận hành phương tiện giao thông không sử dụng nguyên, nhiên liệu hóa thạch; các doanh nghiệp cung ứng nguyên, nhiên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.
Theo vị chuyên gia, khi Hà Nội cấm xe xăng, cổ phiếu của một số doanh nghiệp niêm yết có thể hưởng lợi.

Đó là cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối xe điện.
Vingroup (mã chứng khoán VIC) có thể hưởng lợi nhờ triển vọng tăng trưởng tiêu thụ xe điện của VinFast, đặc biệt đến từ nhu cầu gia tăng mạnh bởi hoạt động chuyển đổi từ các phương tiện sử dụng xăng, dầu tại TP. Hà Nội.
Tasco (mã chứng khoán HUT) đang phân phối với các thương hiệu xe điện của Geely (Trung Quốc) và TMT Motors (mã chứng khoán TMT) hiện thực hiện sản xuất, lắp ráp và phân phối xe điện của Wuling Automobile (Trung Quốc) cũng sẽ hưởng lợi nhờ tiêu thụ xe điện gia tăng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, vận hành phương tiện giao thông không sử dụng nguyên, nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, PV Power (mã chứng khoán POW) được hưởng lợi nhờ chiến lược phát triển hệ thống trạm sạc xe điện. PV Power dự kiến phát triển lên tới 1000 trạm sạc vào năm 2035.
Hiệu ứng khả quan cũng sẽ lan tỏa tới nhóm cổ phiếu Viettel trong bối cảnh tập đoàn này đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Vingroup để đưa các sản phẩm thế mạnh của Viettel như linh kiện điện tử, trạm sạc, ứng dụng phần mềm vào chuỗi cung ứng của VinFast. Trong các công ty thành viên của Viettel, Công trình Viettel (mã chứng khoán CTR) là nhà thầu tham gia vào hoạt động xây dựng trạm sạc điện cho VinFast.
Cùng với Viettel, FPT (mã chứng khoán FPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vingroup về thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Theo công bố từ FPT, VinFast sẽ xem xét ưu tiên sử dụng dịch vụ công nghệ phần mềm ô tô và dịch vụ cung cấp thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của FPT.
Ngoài ra, cổ phiếu của các doanh nghiêp cung ứng, kinh doanh điện cũng hưởng lợi từ việc cấm xe xăng. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh theo xu hướng chuyển đổi xe điện trong khi nguồn cung tăng trưởng chậm hơn có thể kéo theo diễn biến đi lên của giá điện. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng khả quan cho cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp cung ứng điện (POW, PGV, NT2, GEG,…) khi giá điện hợp đồng và giá điện trên thị trường cạnh tranh có thể điều chỉnh tăng.
Theo các chuyên gia, VinFast, công ty con của VinGroup đang dẫn đầu thị trường xe điện cả nước với 43% thị phần. Doanh số năm 2024 của VinFast đạt 87.000 ô tô điện và 70.977 xe máy, xe đạp điện. Với 2.000 trạm sạc tại Hà Nội và các dòng xe máy điện như Klara, Vento, Feliz, VinFast hưởng lợi trực tiếp từ chính sách cấm xe xăng.
Minh Anh / Vietnamfinance.vn