Bên cạnh cung cấp các sản phẩm mới, việc mở rộng, chiếm lĩnh thị trường phân phối, đầu tư xây dựng hay mở rộng nhà máy là xu thế được hầu hết các doanh nghiệp ô tô lựa chọn để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhằm giữ thị phần tại Việt Nam trong bối cảnh có nhiều hãng xe mới gia nhập.
Mở rộng đại lý, tăng cường dịch vụ
Ngay sau buổi mắt cuối tháng 9/2023 tại Hà Nội, thương hiệu ô tô Séc Skoda Việt Nam đã liên tiếp khai trương chuỗi đại lý Skoda ủy quyền trên toàn quốc. Hiện Skoda có mặt tại Hà Nội, Vinh, Buôn Ma Thuột và TP. HCM. Hệ thống đại lý Skoda được xây dựng theo tiêu chuẩn toàn cầu với các chức năng và khu vực chính bán hàng, gồm: showroom trưng bày và bán các sản phẩm xe Skoda.
Đại diện của thương hiệu ô tô Séc Skoda Việt Nam cho biết, trong vòng 5 năm tới đây, hãng có kế hoạch phát triển hệ thống hơn 30 đại lý ủy quyền Skoda trên toàn quốc. Đồng thời, hãng cũng hướng tới mục tiêu doanh số bán hàng hơn 30.000 xe/năm.
Cũng trong tháng 11/2023, TMT Motors đồng loạt khai trương 21 đại lý Wuling ủy quyền trên toàn quốc. Hệ thống đại lý Wuling ủy quyền được thiết lập đồng bộ với các khu vực chính bao gồm khu trưng bày xe điện của liên doanh GM (Mỹ) – Mini EV, khu xưởng dịch vụ, khu vực hỗ trợ, tư vấn khách hàng… Mỗi showroom có diện tích từ 200 – 400 m2, khu vực trưng bày sẽ gồm các phiên bản xe điện của liên doanh GM (Mỹ) – Mini EV. Bên cạnh đó, hệ thống đại lý Wuling ủy quyền cung cấp đầy đủ phụ tùng và phụ kiện chính hãng của Wuling nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của người dùng.
Đầu tháng 12/2023, Công ty TNHH Hình tượng ô tô Việt Nam (MIV), nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm xe và dịch vụ thương hiệu Subaru đến từ Nhật Bản, vừa khai trương phòng trưng bày tại Hà Đông, thuộc đại lý Subaru Thăng Long (tại Tòa K3, Khu The K-Park, Khu Đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội). Phòng trưng bày Subaru Thăng Long – Hà Đông có tổng diện tích mặt bằng hơn 700m2, là một trong những phòng trưng bày Subaru lớn nhất tại Hà Nội hiện nay.
Xác định Hà Nội là thị trường trọng điểm cho việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, đại diện của hãng xe này cũng cho biết Tập đoàn Motor Image cũng đang đầu tư một cơ sở mới rộng 3.500m2 tại Hà Nội và dự kiến đưa vào hoạt động từ đầu quý II/2024.
Trước đó, vào tháng 10/2023, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam vừa tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý/chi nhánh đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền tại khu vực miền Trung, với việc ra mắt đại lý Toyota Trang Lê – Quảng Nam. Đại lý này được xây dựng trên diện tích 5.350m2 với 3 khu vực chính: phòng trưng bày sản phẩm, khu vực phòng chờ cho khách hàng và xưởng dịch vụ. Khu vực xưởng được thiết kế với 31 khoang sửa chữa, bao gồm 14 khoang bảo dưỡng nhanh/sửa chữa chung và 17 khoang sửa chữa đồng sơn.
Tính đến nay, mạng lưới đại lý/chi nhánh đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Toyota Việt Nam đã lên tới con số 87, đặt tại 48 tỉnh thành phố trên cả nước.
Mở rộng đầu tư, dây chuyền sản xuất
Không chỉ phát triển hệ thống phân phối dành cho xe mới, các doanh nghiệp kinh doanh xe còn cam kết đầu tư lâu dài tại trường Việt Nam như tiến hành xây dựng nhà máy ngay tại Việt Nam.
Trong năm 2023 và gây chú nhất đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đó là thương hiệu ô tô Séc Skoda tiến hành xây dựng dây chuyền lắp ráp các mẫu xe của hãng tại khu vực Đông Nam Á, được xây dựng tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Được biết, nhà máy có diện tích xây dựng 36,5ha, công suất thiết kế 120.000 xe/năm. Những mẫu xe Skoda “Made in Vietnam” đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng từ cuối năm 2024.
Tổng Giám đốc Skoda Việt Nam Lê Độ cho biết, các dòng xe lắp ráp tại đây sẽ hướng tới các dòng SUV và sedan cỡ B, bởi đây là phân khúc phù hợp với thị hiếu và xu hướng của người tiêu dùng tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Skoda Việt Nam cũng cho biết, nhà máy này trong giai đoạn 2025-2026 sẽ lắp ráp cả các dòng ô tô điện chạy pin.
Mới đây, Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc ký kết hợp đồng nguyên tắc về dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Thái Bình cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.
Dự án này được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú – Khu kinh tế tỉnh Thái Bình với 3 giai đoạn cùng tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 800 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2023 – 2030) có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, tập trung xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 (năm 2031-2033) có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD với công suất sản xuất 100.000 xe/năm và giai đoạn 3 (năm 2034-2035) có vốn đầu tư ước khoảng 380 triệu USD với công suất sản xuất 200.000 xe/năm.
Dự kiến, Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng Nhà máy giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025 và ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.
Đại diện của nhà sản xuất ô tô đến từ Trung Quốc từng tiết lộ việc xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô cùng hệ thống đại lý chính hãng tại Việt Nam giúp hãng xe làm chủ nguồn cung, linh kiện cũng như giúp khách hàng yên tâm hơn trong việc tiếp cận sản phẩm và các vấn đề hậu mãi liên quan.
Vào tháng 5/2023, Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) chính thức xuất xưởng những chiếc ô tô điện mini – Wuling HongGuang MiniEV đầu tiên lắp ráp tại nhà máy của công ty đặt tại tỉnh Hưng Yên cũng nhận được sự chú ý.
Được biết, nhà máy ô tô của TMT Motors tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai, khi TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác.
Thanh Hương / Vietnamfinance