BYD – công ty sản xuất xe điện từng được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn, đã vượt qua Tesla về doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn thế giới.
Tesla không còn chiếm ưu thế trước BYD.
Sao sắp đổi ngôi
Trong một lĩnh vực vốn bị thống trị bởi những cái tên quen thuộc như Toyota, Volkswagen và General Motors, các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm BYD và SAIC Motor Corp. đang có những bước đột phá mạnh mẽ trong năm nay.
Sau khi vượt qua Mỹ, Hàn Quốc và Đức trong vài năm qua, Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Nhật Bản để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu ô tô. Trong đó, khoảng 1,3 triệu trong số 3,6 triệu xe xuất khẩu tính đến tháng 10 năm nay là xe điện.
Tuy nhiên, nhà sản xuất xe điện nổi tiếng nhất thế giới Tesla lại không phải là thương hiệu “ăn khách” nhất, ít nhất là trong quý này. Thay vào đó là một tên tuổi đến từ Trung Quốc – BYD.
Theo dữ liệu bán hàng, số lượng giao hàng của Tesla đã giảm xuống còn 435.059 chiếc trong quý III, giảm so với mức kỷ lục 466.140 của quý II và không đạt dự kiến 455.000 chiếc.
Trong khi đó, BYD đã bán được 431.603 chiếc xe điện chạy pin trong quý III. Nếu tính cả xe plug-in hybrid, doanh số bán hàng của hãng đạt 824.001 chiếc.
Trong quý IV, hãng xe của tỷ phú Elon Musk dự kiến giao kỷ lục 476.000 xe để đạt tổng mức 1,8 triệu xe cho cả năm 2023. Hãng cũng bắt đầu các chương trình giảm giá cuối năm tại một số thị trường để thúc đẩy doanh thu.
So sánh với đối thủ BYD, hãng xe Trung Quốc bán 301.629 xe trong tháng 10 và 301.903 xe điện trong tháng 11. BYD cần bán 320.000 xe trên toàn cầu trong tháng 12 để hoàn thành mục tiêu năm 2023 là 3 triệu xe. Như vậy, gần như chắc chắn doanh số của BYD sẽ vượt Tesla trong quý cuối cùng của năm. Mặc dù khoảng 90% doanh số bán hàng của BYD là ở Trung Quốc và 10% là ở nước ngoài.
Theo dữ liệu được Li Auto công bố, trong tuần thứ 51 của năm nay, từ ngày 18 – 24/12, doanh số bán xe tại riêng thị trường Trung Quốc của BYD là 63.900 xe, tăng 23,60% so với 51.700 của tuần trước đó. Từ ngày 1 – 24/12, BYD đã bán 180.000 ô tô tại Trung Quốc.Cùng tuần 18-24/12, Tesla bán 18.500 xe điện tại Trung Quốc, tăng 1,09% so với 18.300 của tuần trước đó. Từ ngày 1-24/12, Tesla đã bán được 60.200 xe tại Trung Quốc. |
Bên cạnh việc chiếm lợi thế lớn từ thị trường “quê nhà” Trung Quốc, BYD cũng không ngừng cho ra mắt các mẫu xe mới, phục vụ nhu cầu của các khách hàng khác nhau. Nếu so với Tesla hiện vẫn chỉ bán 3 Model, rõ ràng BYD là một lựa chọn đa dạng hơn, chưa kể tới giá cả.
Nếu nhà sản xuất ô tô được Berkshire Hathaway hậu thuẫn vượt qua Tesla để trở thành công ty dẫn đầu thế giới về doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện, nó sẽ vừa là một bước ngoặt mang tính biểu tượng đối với thị trường xe điện, đồng thời là minh chứng về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Bridget McCarthy, người đứng đầu hoạt động tại Trung Quốc của quỹ phòng hộ Snow Bull Capital có trụ sở tại Thâm Quyến, quỹ đã đầu tư vào cả BYD và Tesla, cho biết: “Bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi, vấn đề không còn là quy mô của các công ty ô tô nữa; đó là về tốc độ mà họ có thể đổi mới. BYD đã bắt đầu chuẩn bị từ lâu để có thể thực hiện việc này nhanh hơn mọi người nghĩ là có thể, và giờ đây phần còn lại của ngành phải chạy đua để bắt kịp họ”.
Hiện tại, Tesla vẫn đánh bại BYD về các chỉ số quan trọng bao gồm doanh thu, thu nhập và vốn hóa thị trường. Các nhà phân tích tại Bernstein kỳ vọng một số khoảng cách đó sẽ thu hẹp đáng kể vào năm 2024 – họ dự đoán Tesla sẽ tạo ra doanh thu 114 tỷ USD so với con số 112 tỷ USD của BYD.
Tư duy khác biệt
Việc “giành vương miện” về doanh số bán xe điện cũng phản ánh sự thay đổi trong động lực cạnh tranh giữa tỷ phú Elon Musk của Tesla, giám đốc điều hành giàu nhất thế giới và nhà sáng lập BYD, tỷ phú Wang Chuanfu.
Trong khi ông Musk từng cảnh báo rằng không có nhiều người tiêu dùng đủ khả năng mua xe điện của ông trong bối cảnh lãi suất cao, thì ông Wang lại kiên quyết tấn công thị trường vào thời điểm khó khăn bủa vây. BYD đã cung cấp nhiều mẫu xe số lượng lớn với giá thấp hơn nhiều so với mức giá mà Tesla tính cho mẫu sedan Model 3 rẻ nhất ở Trung Quốc.
Sự thay đổi có thể xảy ra trong trật tự xe điện toàn cầu đánh dấu việc hiện thực hóa mục tiêu mà ông Wang, 57 tuổi, đặt ra khi Trung Quốc mới bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện đang dẫn đầu thế giới.
Ở thời điểm Mỹ và châu Âu có ý định áp các mức thuế cao hơn đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, tỷ phú sáng lập BYD tỏ rõ quyết tâm của mình khi tuyên bố đã đến lúc các thương hiệu Trung Quốc phải “phá bỏ những huyền thoại cũ” của thế giới ô tô.
Hậu thuẫn vững chắc từ Berkshire Hathaway
Mặc dù nhiều khách hàng thế giới vẫn chưa biết rõ về BYD, nhưng Warren Buffett thì chắc chắn biết rất rõ. Năm 2008, Berkshire Hathaway của tỷ phú này đã đầu tư khoảng 230 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Khi Berkshire bắt đầu giảm tỷ lệ nắm giữ vào năm ngoái, đúng thời điểm cổ phiếu BYD đang giao dịch gần mức cao nhất mọi thời đại, thì giá trị cổ phần của Berkshire trong hãng cũng đã tăng khoảng 35 lần lên khoảng 8 tỷ USD.
BYD đã mua lại một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước đang thất bại vào năm 2003 và giới thiệu chiếc plug-in hybrid đầu tiên – được gọi là F3DM – vào năm 2008. Một nhà phê bình của tờ New York Times đã đánh giá cao thiết kế bên ngoài của nó, gọi chiếc xe nhỏ gọn này “hợp thời trang như một chiếc Toyota Corolla thời Y2K”. Công ty đã bán được tất cả 48 chiếc trong năm đầu tiên.
Vào khoảng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu trợ cấp cho việc mua xe plug-in. Sự hỗ trợ từ chính phủ mở rộng từ các tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia, bao gồm giảm thuế cho người tiêu dùng, khuyến khích sản xuất cho các nhà sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Là một nhà sản xuất ô tô hiếm hoi còn tự sản xuất pin, BYD có vị thế đặc biệt để hưởng lợi. Trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô, đây là nhà cung cấp lithium-ion đầu tiên của Trung Quốc cho Motorola và Nokia vào đầu những năm 2000. Để tăng quy mô sản lượng trước khi người tiêu dùng đón nhận xe điện, công ty đã nhắm mục tiêu vào các phân khúc ô tô cần nhiều pin. Xe buýt điện đầu tiên của hãng ra mắt ngay sau F3DM.
“BYD là một điều kỳ diệu”, Phó Chủ tịch quá cố của Berkshire Hathaway – tỷ phú Charlie Munger chia sẻ hồi tháng 10 năm nay. Ông gọi tỷ phú Wang là thiên tài, nói rằng ông chủ BYD đã giữ cho công ty không bị phá sản bằng cách làm việc 70 giờ mỗi tuần và mô tả ông Wang là một kỹ sư cuồng công việc.
“Anh chàng ở BYD thực sự giỏi tạo ra mọi thứ hơn Elon Musk”, tỷ phú quá cố Munger nói.
Sau khoảng một thập kỷ rưỡi sản xuất ô tô, BYD đã có thể tận dụng ưu thế để đưa giá ô tô điện xuống mức tương đương với xe động cơ đốt trong. Vấn đề còn tồn tại duy nhất là hãng còn thiếu những chiếc xe bắt mắt.
Năm 2016, công ty đã thuê Wolfgang Egger làm giám đốc thiết kế, vị trí mà trước đây ông từng đảm nhiệm cho Audi và Alfa Romeo. BYD cũng thu hút các giám đốc điều hành quốc tế khác, bao gồm cả giám đốc thiết kế ngoại thất của Ferrari và nhà thiết kế nội thất hàng đầu của Mercedes-Benz.
Vào thời điểm Trung Quốc mời Tesla xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên của đất nước do một thực thể nước ngoài sở hữu hoàn toàn, BYD không còn đơn thuần sản xuất những chiếc xe tiết kiệm đơn giản nữa. Giờ đây, mẫu xe đắt nhất của hãng, xe thể thao đa dụng Yangwang U8, có giá 1,09 triệu NDT (152.600 USD).
Linh Anh / Vietnamfinance
Theo Bloomberg, CNC, IBD