Năm 2015, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến nhiều vụ triệu hồi xe ô tô. Hãy cùng điểm lại 1 số vụ triệu hồi xe ô tô trong năm qua.
1. Mercedes-Benz triệu hồi trên 1.000 xe tại Việt Nam
Tháng 5/2015, có tổng cộng 1.031 xe Mercedes-Benz, trong đó có 1.025 xe được lắp ráp sản xuất tại Việt Nam gồm các loại E200, E250, E250 CGI, E300, E400 và 6 chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc gồm các loại CLS 350 và CLS63 có thời gian sản xuất từ tháng 1/2012 đến ngày 2/12/2014 thuộc diện triệu hồi.
Lý do của đợt triệu hồi này là gioăng cao su trong khoang động cơ có khả năng tuột khỏi vách ngăn phụ của khoang động cơ. Trong một số điều kiện nhất định, các phần bị tuột của đệm cao su này có thể tiếp xúc với các phần chi tiết nóng của động cơ, gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng xe.
2. Triệu hồi Chevrolet Cruze và Chevrolet Colorodo
GM Việt Nam đã phải triệu hồi 4.304 chiếc xe Chevrolet Cruze để xử lý do hai ống dẫn dầu phanh trước lắp không đúng kỹ thuật.
Sau khi báo cáo Cục Đăng Kiểm Việt Nam, GM Việt Nam cho biết nguyên nhân của lệnh triệu hồi lần này là do hai ống dẫn dầu phanh trước trên Chevrolet Cruze lắp không đúng kỹ thuật làm tăng áp lực tại vị trí xoắn trên đường ống, dẫn đến hiện tượng rò rỉ và khiến hệ thống phanh hoạt động không hiệu quả. Những mẫu Chevrolet Cruze nằm trong danh sách triệu hồi lần này được lắp ráp trong khoảng thời gian từ 1/4/2010 đến 1/9/2011.
Đến tháng 7/2015, GM Việt Nam lại tiếp tục công bố thu hồi Chevrolet Colorado. Trong thông báo thu hồi, trên dòng bán tải Colorado GM đã đưa ra giải pháp khắc phục tạm thời là tháo bỏ kẹp dây điện cũ, cố định vị trí dây điện cực dương của máy phát với dây điện của kim phun nhiên liệu bằng 2 lạt buộc.
3. Toyota Việt Nam triệu hồi Corolla và Vios vì lỗi túi khí
Trong số đó, 148 xe Corolla được sản xuất từ ngày 3/11/2004 đến 28/4/2005 và 3.810 xe Vios sản xuất tại Việt Nam từ ngày 13/9/2007 đến 21/12/2008.
Chiến dịch này nằm trong chương trình triệu hồi toàn cầu của tập đoàn Toyota Nhật Bản (TMC) dành cho nhiều mẫu xe khác nhau với tổng số lượng hơn 7,9 triệu xe. Theo hãng xe Nhật, lý do triệu hồi là cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước được cung cấp bởi công ty Takata (Nhật Bản) được sản xuất không đúng cách nên nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian.
4. Triệu hồi hơn 21.000 xe Honda Civic và CR-V
Tổng số xe bị ảnh hưởng gồm 21.171 xe lắp ráp trong nước và 10 xe nhập khẩu. Số xe trong nước nằm trong diện triệu hồi là Civic sản xuất từ 2006 đến 2011 và CR-V sản xuất từ 2008-2011.10 chiếc nhập khẩu bị triệu hồi gồm Civic sản xuất từ 2005 đến 2008 và CR-V sản xuất 2008.
Theo thông báo của Honda, nguyên nhân do có thể xảy ra hiện tượng quá áp bộ thổi khí của túi khí ghế lái hoặc ghế phụ. Khiến thiết bị an toàn này có thể hoạt động quá mức khi va chạm, chẳng hạn các linh kiện nhỏ có thể bắn ra, gây thương vong. Tuy nhiên, Honda Việt Nam cho biết chưa ghi nhận tai nạn nào liên quan tới lỗi này.
Không phải toàn bộ số xe trên bị lỗi mà chỉ một bộ phận. Nhưng liên doanh Nhật sẽ thay thế miễn phí túi khí bị lỗi cho tất cả 21.181 xe.
5. Ford Fiesta tại Việt Nam bị triệu hồi do lỗi hệ thống điện
Theo văn bản của Cục Đăng kiểm, nguyên nhân của cuộc triệu hồi là do hiện tượng cọ sát trực tiếp giữa dây điện của hệ thống điện với bát treo hộp số trên xe Ford Fiesta.
Việc bị cọ sát trong một thời gian dài có thể gây ra hiện tượng đoản mạch và hư hỏng hệ thống điện trên xe; đèn cảnh báo hư hỏng có thể bật sáng trên bảng điểu khiển.
Tổng số xe Fiesta mắc lỗi tại thị trường Việt Nam là 1.189 chiếc bao gồm cả dòng sedan và hatchback sản xuất trong khoảng thời gian từ 24/7/2013 đến 30/8/2014.
6. Mitsubishi triệu hồi xe Outlander, Lancer nhập khẩu tại Việt Nam
Cụ thể, 2 mẫu xe của Mitsubíhi lỗi đèn báo phanh sử dụng để báo cho các phương tiện cùng tham gia giao thông biết khi hệ thống phanh của xe được sử dụng. Tuy nhiên, do tiếp xúc kém của mạch điện vì sự hình thành của chất cách điện tại tiếp điểm trong công tắc có thể dẫn đến hiện tượng đèn báo phanh không sáng. Đối với một số xe, cũng có thể có hiện tượng là cần số không thể chuyển được về vị trí P (đậu xe ) khi đèn báo phanh không sang.
Ngoài ra, dây cu-roa của động cơ có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc điều khiển động cơ giúp động cơ, xe chuyển động ổn định. Nó truyền chuyển động quay đến trục cam, bơm trợ lực lái, bơm nước, máy phát điện, điều hòa, …..
Do vật liệu chế tạo dây cu roa V của động cơ không phù hợp, Pu li làm từ nhựa tổng hợp có thể mòn không đều (bị lệch). Nếu tiếp tục sử dụng trong điều kiện này, dây cu-roa rất dễ bị hỏng trong quá trình sử dụng, có thể dẫn đến hiện tượng dây cu roa bị bật ra khỏi pu li.
Việc dây cu roa bị tuột làm cho đèn cảnh báo sáng, dẫn đến bình ắc quy hết điện và động cơ quá nhiệt. Đối với xe có hệ thống trợ lực lái bằng dầu trợ lực, lực đánh lái có thể tăng lên.
Một lỗi nữa cần khắc phục ở hai dòng xe này là lỗi ở hệ thống ETACS ECU, hệ thống điện tử kiểm soát thời gian và các cảnh báo trên xe có chức năng điều khiển các hệ thống trên xe bằng điện.
Tuy nhiên, do quy trình sản xuất không thích hợp cho những chi tiết điện tử bên trong ETACS ECU dẫn đến kiểm soát không đúng chức năng của đèn pha và cần hạt mưa,…, điện thế bên trong ECU có thể không ổn định và trong trường hợp xấu nhất, đèn pha có thể tự tắt khi chúng được bật lên và/hoặc gạt mưa có thể trở nên không hoạt động.
Quy mô của cuộc triệu hồi nhỏ với số lượng xe chỉ khoảng 25 mẫu. Trong đó, có 6 chiếc Outlander sản xuất từ 4/9/2007 đến 5/10/2007, 1 chiếc Outlander sản xuất năm 2010 và 18 chiếc Lancer từ 1/1/2008 đến 17/11/2010.
Hoàng Ly
Theo Bizlive