Sau đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, số lượng xã, phường, thị trấn trên cả nước sẽ giảm từ hơn 10.000 xuống còn hơn 3.300. Đây được xem là bước đi mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở cấp cơ sở.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, theo đề xuất của Bộ Nội vụ. Sau khi sắp xếp, tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm từ 10.035 xuống còn 3.321, tức giảm 6.714 đơn vị (tương đương 66,91%).
Đây là một phần trong lộ trình thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Giảm mạnh, hình thành nhiều đơn vị hành chính mới
Cụ thể, trong 3.321 đơn vị hành chính cấp xã còn lại có 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Đáng chú ý, có tới 3.193 đơn vị hành chính cấp xã được hình thành mới thông qua việc sáp nhập, điều chỉnh ranh giới; chỉ có 128 đơn vị giữ nguyên hiện trạng.
Theo Bộ Nội vụ, mức giảm bình quân 66,91% trên toàn quốc phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tinh gọn bộ máy (yêu cầu giảm từ 60%–70%). Việc sắp xếp này không chỉ nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính mà còn hướng tới xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân hơn.

Phương án cụ thể của từng địa phương
Đề án sắp xếp được triển khai tại 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới (sau khi nhập từ 63 tỉnh, thành phố hiện tại). Một số địa phương có số lượng đơn vị cấp xã giảm mạnh, điển hình như:
Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc cũng có sự điều chỉnh lớn như Sơn La (giảm 125 đơn vị), Lào Cai (giảm 220 đơn vị), Phú Thọ (giảm 331 đơn vị), Thái Nguyên (giảm 188 đơn vị), Tuyên Quang (giảm 206 đơn vị)…
Một số tỉnh khác ghi nhận mức giảm sâu như Thanh Hóa (giảm 381 đơn vị), Nghệ An (giảm 282), Hà Tĩnh (giảm 140), Quảng Trị (giảm 186), Quảng Ngãi (giảm 176), Gia Lai (giảm 238), Khánh Hòa (giảm 129), Đắk Lắk (giảm 184)…
Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án chi tiết, sát với tình hình thực tế để đảm bảo quá trình sắp xếp không gây xáo trộn lớn trong đời sống người dân.
Đặc khu hành chính lần đầu tiên xuất hiện
Đáng chú ý, sau sắp xếp, cả nước có 13 đơn vị hành chính cấp xã mang tên “đặc khu”. Đây là điểm mới trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả quản lý đặc thù, linh hoạt hơn ở những khu vực có tính chất riêng biệt như biên giới, hải đảo hoặc khu vực kinh tế trọng điểm.
Nghị quyết số 126/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 9/5/2025. Từ nay đến thời điểm đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, phương án cụ thể, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất… phục vụ cho việc vận hành hệ thống chính quyền tại các đơn vị hành chính mới.
Việc triển khai sắp xếp này được đánh giá là một bước đi lớn trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.
An Linh / Vietnamfinance.vn