Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc là “rất tốt”, đồng thời tuyên bố đây là “sự thiết lập lại hoàn toàn” trong quan hệ thương mại song phương, sau ngày làm việc đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước tại Geneva, Thụy Sĩ.
Phát biểu trên nền tảng Truth Social sáng 11/5, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, rằng Trung Quốc sẽ mở cửa với các doanh nghiệp Mỹ”.
Tổng thống Mỹ mô tả đây là “một cuộc đàm phán thiết lập lại hoàn toàn theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng”.
Ông khẳng định Mỹ và Trung Quốc: “ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TIẾN BỘ LỚN!!!”, song không cung cấp chi tiết cụ thể nào về tiến triển đạt được trong cuộc đàm phán đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Cuộc họp kéo dài khoảng 8 giờ tại Geneva là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và hai quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer, kể từ khi Washington và Bắc Kinh áp thuế hàng loạt lên hàng hóa của nhau – với mức thuế hiện tại có thể lên tới hơn 100%.
Tính đến nay, thuế quan mà chính quyền ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã đạt mức tổng cộng 145%, khiến tổng mức thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng Trung Quốc tăng vọt lên đến 245%. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp dụng mức thuế lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ.

Hiện chưa có tuyên bố chính thức nào từ cả hai bên về nội dung cụ thể của các cuộc thảo luận, cũng như chưa có tín hiệu rõ ràng nào về khả năng giảm bớt các mức thuế khắc nghiệt nói trên. Các cuộc họp kết thúc vào khoảng 20h (giờ địa phương), tại dinh thự của Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc, một địa điểm kín đáo thuộc khu vực Cologny.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh gần 600 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương hàng năm đang bị đình trệ, do các mức thuế đối đầu từ hai phía. Căng thẳng càng gia tăng sau khi ông Trump vào tháng trước mở rộng chính sách thuế quan với hàng chục quốc gia khác, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chao đảo thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng.
Trong ngày đàm phán đầu tiên, các quan chức Mỹ được nhìn thấy rời khách sạn với nụ cười nhẹ và từ chối bình luận với báo chí. Phái đoàn Trung Quốc cũng được thấy rời khỏi khách sạn trên những chiếc xe Mercedes với cửa sổ màu tối. Mọi hoạt động được giữ kín trong suốt quá trình đàm phán.

Washington hiện đang nỗ lực cắt giảm mức thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 295 tỷ USD với Trung Quốc và thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ mô hình kinh tế theo “chủ nghĩa trọng thương” – vốn được cho là nguyên nhân chính gây mất cân bằng thương mại toàn cầu – cũng như khuyến khích Trung Quốc tiêu dùng nội địa nhiều hơn.
Trong khi đó, Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng Mỹ đang can thiệp sâu vào chính sách nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các mức thuế và làm rõ những gì họ mong muốn Trung Quốc mua nhiều hơn.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 10/5 bình luận rằng “việc Mỹ lạm dụng thuế quan một cách liều lĩnh đã làm đảo lộn trật tự kinh tế toàn cầu”, nhưng cũng cho rằng việc tổ chức đàm phán là “một bước đi tích cực và cần thiết nhằm giải quyết bất đồng, ngăn chặn leo thang thêm nữa”.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng khả năng đạt được đột phá trong ngắn hạn là rất thấp. ngày 9/5, ông Trump cũng gợi ý một mức thuế 80% có thể là “giải pháp hợp lý” thay thế cho mức 145% hiện nay. Đây là lần đầu tiên ông đề cập một con số cụ thể thấp hơn.
Ông Trump cho biết Trung Quốc là bên đề xuất đàm phán, trong khi Bắc Kinh khẳng định Mỹ đã chủ động đề nghị các cuộc gặp, đồng thời lập trường của Trung Quốc về chính sách phản đối thuế quan của Mỹ vẫn không thay đổi.
Phát biểu với Fox News ngày 9/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói: “Tổng thống muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Ông ấy muốn hạ nhiệt tình hình”.
Thư ký báo chí của ông Trump, bà Karoline Leavitt, làm rõ rằng Mỹ sẽ không đơn phương hạ thuế nếu Trung Quốc không có sự nhượng bộ rõ ràng.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ, ông Guy Parmelin, người đã gặp riêng cả hai đoàn tại Geneva ngày 9/5, cho rằng việc các cuộc đối thoại được khởi động đã là một thành công bước đầu.
Ông nói với báo giới: “Nếu một lộ trình có thể được thống nhất và họ quyết định tiếp tục đàm phán, điều đó sẽ giúp giảm căng thẳng”. Ông cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán kéo dài đến ngày 11/5 hoặc thậm chí sang đầu tuần tới.
Theo The Guardian
Thanh Tú / Vietnamfinance.vn