Chiều ngày 10/8, có mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng cùng quan chức TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh tổ chức thông xe hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện kết nối với Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện đã được thông xe sớm hơn 3 tháng dự kiến. Dịp này, Ban giao thông phát động thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, thông xe toàn bộ tuyến đường vào ngày 31/12/2024. Hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện là gói thầu xây lắp số 9, thuộc dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, có tổng giá trị 200 tỷ đồng. Điểm đầu tại vị trí giao đường Phan Thúc Duyện – đường Phan Đình Giót; điểm cuối giao với đường Thăng Long với tổng chiều dài là 600m, bề rộng mặt cắt ngang 30m (6 làn xe), đường 2 đầu hầm có tổng chiều dài 200m, các đường bên hông hầm chui có tổng chiều dài 600m. Phần hầm chui với tổng chiều dài 402m. Trong đó, đoạn hầm kín dài 42m, đoạn hầm hở dài 360m cùng hệ thống máy bơm thoát nước cho hầm.
Theo Ban Giao thông, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là dự án trọng điểm quốc gia, được UBND Thành phố phê duyệt ngày 8/12/2021 và cùng khởi công với dự án Xây dựng Nhà ga T3 vào ngày 24/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.412 tỷ đồng và chi phí xây lắp 1.500 tỷ đồng, cùng các chi phí khác.
Dự án có mục tiêu xây dựng một tuyến đường mới nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với điểm đầu tại vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn – đường Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại vị trí giao đường C12 – đường Cộng Hòa – đường Trường Chinh với tổng chiều dài 4 km, mặt cắt ngang 6 làn xe.
Trên tuyến có hạng mục cầu vượt tại khu vực trước Nhà ga T3 với tổng chiều dài 988m, mặt cắt ngang 17m (4 làn xe) và 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện – đường Trần Quốc Hoàn có tổng chiều dài 400m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe) và tại nút giao đường Trường Chinh – đường Tân Kỳ Tân Qúy có tổng chiều dài 500m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe).
Dự án có các hạng mục chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, vỉa hè, hào kỹ thuật… phù hợp với quy mô dự án. Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với Nhà ga T3, dự án còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu và sau khi hoàn thành cùng với các dự án Nâng cấp mở rộng các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Tên Lửa, Tân Kỳ Tân Quý vào cuối năm 2024. Các dự án này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là sau khi Nhà ga hành khách T3, với công suất 20 triệu hành khách/năm dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối quý I/2025.
Cùng với việc hoàn thành, thông xe gói thầu số 9, Ban Giao thông cùng các đơn vị Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công các gói thầu còn lại của dự án đã cùng nhau phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ Nhà ga T3 khi đưa vào khai thác.
Theo ông Phúc, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa không chỉ là một dự án giao thông trọng điểm mà còn là dự án có 3 điểm mới, gồm: Thiết kế và hướng tuyến của dự án đã đảm bảo mục tiêu bảo vệ được nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa dọc tuyến như khu lưu niệm Cụ Phan Chu Trinh, Trại Đa Vít trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; số lượng cây xanh, cảnh quan được tăng cường, đặc biệt là dải phân cách giữa tuyến đường đã được thiết kế, thi công thành một thảm hoa nhiều màu sắc, góp phần biến tuyến đường này thành tuyến đường hoa, tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách đến, khách đi khi ra, vào cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tất cả 34 hộ dân phải giải tỏa toàn bộ phục vụ thi công dự án sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ dọc theo tuyến đường mới với mong muốn người dân sẽ có điều kiện sống tốt hơn sau tái định cư.
Bên cạnh việc hoàn thành và thông xe gói thầu số 9 của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, Ban Giao thông cùng các đơn vị Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, các Quận, Huyện, Sở ngành và ngành giao thông Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “Ba ca bốn kíp” để tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ người dân thành phố khoảng 15 gói thầu, dự án trong 5 tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, Cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa, cầu Bà Hom, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Tân Kỳ Tân Quý, Hầm HC2, Hầm HC1 (Nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh), cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố 2, Hầm HC1 (dự án xây dựng nút giao thông An Phú), đường Tên Lửa, đường Hoàng Hoa Thám, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường nối đường Trần Quốc Hoàn- đường Cộng Hòa, đường song hành Quốc Lộ 50, đường Dương Quảng Hàm…
Ngoài ra, Ban giao thông cũng sẽ trình chủ trương đầu tư 5 dự án BOT của ngõ, dự án Cầu Cần Giờ, dự án cầu Thủ Thiêm 4, dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trong quý IV/2024 và khởi công các dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, dự án Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh (đoạn 1, đoạn 2), dự án Cao tốc TP Hồ Chí Minh Mộc Bài trong quý I và quý II/2025.
Đức Quỳnh / Thị Trường Giao Dịch