Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng hơn quyền của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, thừa kế biển số xe ô tô.
Sáng nay 7/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là quyền của người trúng đấu giá.
Điểm c, khoản 2 điều 3 của dự thảo nghị quyết quy định người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).
Trong khi đó, theo khoản 2 điều 4, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe thì không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Bày tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá nội dung này chưa phù hợp.
“Sau 3 năm thí điểm, xe gắn biển trúng đấu giá hết khấu hao, không được lưu hành nhưng biển lại không được dùng đăng ký cho xe khác hay tiếp tục cho chuyển nhượng, thừa kế thì phải đi đăng ký biển khác. Vậy biển số xe trúng đấu giá dùng vào việc gì, quản lý thế nào” – ông Mạnh đặt vấn đề và đề nghị cho phép người nhận chuyển nhượng, tặng, thừa kế được phép giữ lại biển để đăng ký cho xe ô tô khác của mình.
Điểm đ, khoản 1, Điều 4 quy định: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cho rằng người trúng đấu giá chết là lý do bất khả kháng nên người thừa kế chỉ được nhận lại tiền sau khi trừ chi phí là không có lợi cho người dân. Ông cũng đề nghị cho người thừa kế nhận tiền hoặc nhận biển.
Đại biểu Mạnh cũng đề nghị nới lỏng quy định ở điểm c, điểm 2, điều 4 để người nhận chuyển nhượng, được tặng, thừa kế được phép giữ biển số để đăng ký cho xe khác.
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) băn khoăn khi dự thảo nghị quyết vừa coi biển số xe là tài sản nhưng lại coi đây là “tài sản đặc thù” nên hạn chế quyền của người trúng đấu giá. Ông cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, vì khi là tài sản thì phải tuân theo bộ luật dân sự về tài sản để thống nhất.
Nêu quan điểm việc hạn chế quyền như dự thảo sẽ không khuyến khích được người dân tham gia đấu giá, vị đại biểu này đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá; đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện đấu giá biển số xe ô tô mà không nên quy định quá cụ thể, rồi giao Chính phủ điều hành nhằm đảm bảo linh hoạt.
Đề xuất “biển số rất đẹp”
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm việc phân chia biển số “rất đẹp”, nhằm tăng tính khả thi, tăng thu ngân sách thông qua việc đấu giá biển số.
Theo ông, hiện nay người dân chia biển số đẹp thành 2 nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các số 29, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo nguyên tắc khoa học như 12121; 88899… Trước đó, Bộ Công an đã cho đánh giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau và dãy số tăng dần, đây là nhóm biển số đẹp theo quy tắc khoa học.
Trong thực tế, nhóm số người dân yêu thích khi gắn vào ôtô sẽ giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu nhưng bấm được biển 99999 đã bán 1,7 tỷ đồng. Với quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác cùng sở hữu thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm biển đẹp có số được bố trí theo nguyên tắc khoa học, có số hạn chế trong tổng kho số làm biển số được đấu giá. Và nhóm số này cũng có giá khởi điểm cao hơn.
Ông cũng nêu thực tế ở một số quốc gia, có những biển số được đấu giá với giá hàng triệu USD, số tiền được chi cho từ thiện hoặc tái đầu tư vào giao thông. Một số tỉnh có đầu số, khi kết hợp số trên biển tạo dãy số rất đặc biệt như Bắc Ninh có 7 số 9; Hải Dương có 34-56789, Kiên Giang có 68-68688…
Nếu đấu giá vào những sự kiện đặc biệt, các biển số có thể đấu giá lên đến vài tỷ đồng. Ông đề nghị cho Bộ Công an có quyền chọn biển số từ kho để đấu giá trực tiếp tại các sự kiện đặc biệt về an toàn giao thông, lấy tiền đầu tư cho các dự án giao thông.
Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá đối với Vùng 1 (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, đối với Vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng, vì cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân Vùng 1, Vùng 2.
Mức chênh lệnh giá khởi điểm giữa Vùng 1 và Vùng 2 cũng tương đương với mức chênh lệch phí đăng ký biển số xe ô tô giữa Khu vực 1 và Khu vực 2 (20 triệu đồng – 1 triệu đồng).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm, có thể là mức 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị mức giá khởi điểm cần thấp hơn để đông đảo người dân có thể tham gia đấu giá./.
Dự thảo quy định rõ, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trong thời gian 30 ngày, trước ngày tổ chức đấu giá.
Với hình thức đấu giá trực tuyến toàn quốc, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng ký tham gia đấu giá.
Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.
Nam Sơn/VOV.VN