Sau khi tiếp nhận 21 ha đất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT khảo sát khu vực đất sẽ bàn giao. Ảnh: Hữu Công |
Sáng 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký kết biên bản bàn giao 21 ha sân đỗ quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, sự tăng trưởng nhanh của ngành trong thời gian qua đã khiến Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng. Việc thiếu đường lăn, sân đỗ và nhà ga dẫn đến nhiều chuyến bay phải “bay lòng vòng” chờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh an toàn hàng không.
Trong khi đó, sân bay Long Thành mới chuẩn bị triển khai đầu tư (nhanh nhất đến năm 2025 mới có thể hoàn thành) nên việc nâng cao năng lực khai thác Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả nhất và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.
“Sau khi nhận 21 ha đất quân sự, ngành hàng không bắt tay xây dựng nhà ga T3, T4. Chậm nhất trước năm 2018 sẽ đưa toàn bộ dự án xây dựng nhà ga T4 vào khai thác. Tuy nhiên trong quá trình thiết kế, thi công sẽ đưa dần những hạng mục đã xong và cần thiết để khai thác”, ông Thanh cho hay.
Theo lộ trình, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận phần đất này, cùng Cục Hàng không Việt Nam (CAA) lập quy hoạch, sau đó bàn giao Cảng vụ Hàng không miền Nam quản lý. Dự kiến, cơ quan này sẽ giao cho các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ… có nhu cầu sử dụng.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng giao đất cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay. Từ cuối tháng 4/2014, gần 8 ha được giao làm khu vực bãi đỗ, sân đậu máy bay nhằm giải quyết tình trạng quá tải. Sau đó, ACV đã đầu tư mở rộng bãi đậu máy bay, đường lăn cho các hãng hàng không khai thác, nâng từ 41 lên 46 vị trí đậu máy bay.
Đến tháng 12/2015, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng giao thêm 9ha để làm bãi đậu và đường lăn phục vụ hàng không dân dụng và Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao luôn 21 ha.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Thượng tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Phạm Ngọc Minh. Ảnh: Hữu Công. |
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, phần đất mà Bộ Quốc phòng vừa bàn giao nằm chếch về phía tây nam sân bay hiện hữu – là khu vực đậu máy bay vận tải quân sự và trực thăng quân sự thuộc Trung đoàn 917, lữ đoàn 918 thuộc Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không – không quân).
Khu vực này từ phía đầu đài chỉ huy (cũ) kéo dài đến khu sân bay trực thăng trước đây, hiện là khu đậu máy bay quân đội và khu vực hangar (nhà chứa máy bay). Lâu nay, do thiếu vị trí đỗ máy bay qua đêm nên các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, TIA đã đề nghị phía quân đội cho phép thuê diện tích này để máy bay các hãng hàng không đậu lại qua đêm.
Một góc khu đất của Bộ Quốc phòng được bàn giao. Ảnh: Hữu Công |
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ ngày 20/1, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị tư vấn ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chấp thuận.
Theo đó, sẽ xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách một năm, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất tương đương ở khu vực phía nam sân bay.
Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách mỗi năm.
>> Video: Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thay đổi thế nào sau khi mở rộng?
Hữu Công/Vnexpress