“Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào thời kỳ căng thẳng leo thang, chính phủ đã đến lúc cần phải nhanh chóng hành động trước khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Trong một bài viết, tiến sĩ nghiên cứu chính trị có uy tín Emre Erdogan cho rằng: “Chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là một cuộc đấu tranh dai dẳng”.
Đồng thời ông cũng nhận định rằng những mâu thuẫn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát do Quỹ Marshall của Mỹ tiến hành, ông Erdogan viết rằng hiện 44% người được hỏi gọi Đảng Lao động Kurdistan là yếu tố gây hại chính đối với xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đó là Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với 22%.
Ngoài ra, 83% người bày tỏ ý kiến không muốn có người trong gia đình có tư tưởng chính trị khác biệt với mình.
78% nói rằng họ sẽ không tiếp xúc với bất kỳ những người chống chính phủ và 74% người cho biết họ sẽ không để con mình chơi với con của những người khác biệt tư tưởng chính trị.
Cũng trong khảo sát này, Tổng thống Erdogan nhận được sự ủng hộ của 47% người được hỏi. Ngoài ra ông Erdogan cũng được đông đảo các viên chức chính phủ và quân đội đứng về phía mình, khi 75% người thuộc lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính sách mà ông đưa ra.
“Những dẫn chứng nêu trên cho thấy tình trạng mâu thuẫn căng thẳng đang diễn ra trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan kết luận.
Nội chiến bắt đầu âm ỉ
Người Kurd là một nhóm người thiểu số có ngôn ngữ và tập quán riêng. Quá khứ du mục của người Kurd khiến cộng đồng của họ bị phân tán ra nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia.
Với khoảng 15 triệu người, cộng đồng người Kurd chiếm đến 1/5 tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ (chủ yếu là người Hồi giáo Sunni).
Cho đến nay, cuộc chiến giành quyền tự trị cho người Kurd giữa PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua ba thập kỷ đầy đau thương và chết chóc, đỉnh điểm có đến hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột vào năm 1984.
Vào năm 2012, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc thảo luận bí mật với lãnh đạo PKK là Abdullah Ocalan để chấm dứt cuộc xung đột. Cuộc thương lượng đã dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên vào năm 2013.
Tuy nhiên, dấu rạn đầu tiên trong hiệp định mong manh này đã xuất hiện sau khi người Kurd buộc tội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không hỗ trợ người Kurd Syria chống lại IS ở thị trấn biên giới Kobane.
Tháng 7/2015, căng thẳng lại tiếp tục gia tăng sau khi một cuộc đánh bom liều chết ở thành phố phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra làm chết 32 người. Như giọt nước làm tràn ly, các cuộc không kích dữ dội của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khai tử cho thỏa thuận ngừng bắn trên.
Tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng sau một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu gây thương vong lớn.
Mới nhất là vụ đánh bom chiều 19/3 tại khu phố thương mại sầm uất ở trung tâm thành phố Istanbul, khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn Sputnik (Nga), cựu Tổng chưởng lý Tòa án Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ Tansel Colasan đã có một số nhận xét về tình hình hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ngày nay Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nhà nước dân chủ mà tất cả đều do một người kiểm soát. Vì vậy, gần như mọi quyền tự do ở quốc gia này gần như không còn được đảm bảo”, ông Colasan nói.
Minh Châu (Tổng hợp)
Theo Phụ Nữ TPHCM