Hội thảo “An ninh môi trường: Thử thách tại Biển Đông” đã diễn ra ngày 3/5, tại Trung tâm Đông Tây, trung tâm thông tin và phân tích do Quốc hội Mỹ thành lập năm 1960.
Tại hội thảo, các học giả đã thảo luận về vấn đề an ninh môi trường Biển Đông, lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động gây ra căng thẳng tại khu vực, đe dọa hủy hoại hệ sinh thái biển. Các học giả cho rằng an ninh môi trường là một trong những thách thức lớn mà Biển Đông đang phải đối mặt.
Học giả James W. Borton, giảng viên Viện Walker, Đại học South Carilina, từng là phóng viên kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo có uy tín như The Diplomat, The Washington Times… cho rằng các cơ quan truyền thông hiện đã tiếp cận và phân tích về các tác động môi trường từ các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc vốn vẫn không ngừng diễn ra tại Biển Đông. Nếu các hoạt động này không được chấm dứt, toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn.
Giáo sư sinh thái và sinh học biển của trường đại học Miami John McManus cũng chứng minh rằng việc Trung Quốc dùng tàu thuyền khai thác trai, nạo vét cảng, bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo, đánh bắt cá tận diệt đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và các nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông.
Theo số liệu thống kê, ước tính đến nửa cuối năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp hơn 13 km2, hủy hoại nhiều rạn san hô tại Biển Đông và đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loại sinh vật quý tại vùng biển này.
Hiện nay, tranh chấp tại các khu vực chiến lược ở Biển Đông đang ngày càng gia tăng với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây hấn với các quốc gia láng giềng nhỏ và có thực lực quân sự yếu hơn.
Nguyên nhân chính của các căng thẳng tại đây được cho là do Trung Quốc luôn tìm mọi cách tăng cường thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý hòng độc chiếm vùng biển có vị trí địa chính trị chiến lược, bất chấp phản ứng của các nước có liên quan.
Trên thực tế, Biển Đông là khu vực có tuyến đường thủy lớn thứ 3 thế giới đi qua. Nếu tuyến đường biển này bị phong tỏa trong vài tuần có thể dẫn đến tình trạng đình trệ của kinh tế thế giới. Đây cũng là vùng biển có tiềm năng về dầu khí, giàu tài nguyên khoáng sản và thủy sản. Hiện có khoảng 85% ngư dân thế giới đang sinh sống tại châu Á, đông nhất là tại Biển Đông.
Việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn và tạo xung đột với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines, đã gây ra những căng thẳng ngoại giao, kích hoạt những phản ứng mạnh mẽ từ công chúng, đồng thời gây ra những ảnh hưởng xấu về môi trường, đe dọa hủy hoại sự đa dạng sinh học tại Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc cho rằng hoạt động tôn tạo của họ tại Biển Đông không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái biển nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Các công trình xây dựng của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo được hình thành từ việc nạo vét và bồi đắp tại các rạn san hô với quy mô lớn. Việc làm này đã tàn phá nhiều rạn san hô và làm suy giảm hệ sinh thái và các loài sinh vật biển. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng thừa nhận rằng có khoảng 80% số rạn san hô đang bị suy giảm.
Nguồn thủy sản cũng đang bị đe dọa bởi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chương trình môi trường Liên hợp quốc ước tính Biển Đông là vựa thủy sản lớn thứ 10 trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc đang làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và Philippines, hoạt động này cũng trực tiếp vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Trung Quốc cũng đã triển khai một lượng lớn các tàu đánh cá tới quần đảo Trường Sa với số lượng hàng trăm nghìn chiếc, bao gồm cả tàu chế biến có công suất lên tới 3.000 tấn.
Việc Trung Quốc biến các tàu cá thành “lực lượng dân quân” cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng và tạo nguy cơ xung đột cao. Hiện đã xảy ra các cuộc xung đột tại các ngư trường. Xu hướng này vẫn tiếp tục leo thang, nhiều ngư dân đã bị thiệt mạng và nhiều tàu cá bị phá hoại. Kể từ năm 1960 tới nay, các loài cá tại Biển Đông cũng đã suy giảm hơn một nửa.
Các học giả cho rằng giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, các bên liên quan cần sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Các nước trong khu vực nên hợp tác nghiên cứu cách thức quản lý và giải quyết vấn đề an ninh môi trường biển, chấm dứt các hoạt động nạo vét tại Biển Đông, nên nghiên cứu xây dựng mô hình công viên hòa bình để bảo vệ môi trường.
ASEAN cần tham gia và ủng hộ việc thành lập Ủy ban đa phương về Biển Đông xanh, phối hợp với Chương trình Đại dương Liên hợp quốc để vận động thông qua hiệp định đại dương nhằm đưa ra các quy định mới quy định về việc xây dựng các khu bảo tồn tại Biển Đông.
Theo Vietnam+