Bộ Tài chính Mỹ đã “tấn công” Nga bằng một loạt các hình phạt cứng rắn mới nhắm vào hệ thống tài chính của nước này, khiến Sở giao dịch Moscow đáp trả bằng cách đình chỉ các giao dịch và công cụ thanh toán bằng đồng USD và euro.
Xáo trộn hệ thống tài chính
Một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ đã làm xáo trộn hệ thống tài chính Nga. Trong thông báo tối 12/6, Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ sẽ đình chỉ các giao dịch và công cụ thanh toán bằng đồng USD và euro, động thái này được thúc đẩy bởi gói trừng phạt mới được Bộ Tài chính Mỹ công bố trước đó.
Tuy nhiên, các công ty và cá nhân có thể tiếp tục mua và bán USD và euro thông qua các ngân hàng Nga. Tiền tiết kiệm bằng USD trong tài khoản vẫn an toàn.
Sở giao dịch Moscow cũng ra thông cáo cho hay: “Liên quan việc Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế đối với Sở giao dịch Moscow, kể từ ngày 13/6, các giao dịch trên Sàn giao dịch Moscow, bao gồm thị trường ngoại hối và thị trường kim loại quý, được thực hiện bằng tất cả các công cụ, ngoại trừ đồng USD và Euro”.
Cùng với đó, trên thị trường chứng khoán và tiền tệ cũng như thị trường phái sinh được chuẩn hóa, giao dịch sẽ tiếp tục đối với tất cả các công cụ, ngoại trừ những công cụ được thanh toán bằng USD và euro.
Ngân hàng Trung ương Nga xác nhận, các giao dịch bằng đồng USD và euro sẽ tiếp tục được thực hiện trên thị trường phi tập trung. Giao dịch trên tất cả các phân khúc trao đổi khác và trên các công cụ trao đổi bằng đồng rúp và các loại tiền tệ khác sẽ diễn ra bình thường.
Trước đó, các biện pháp trừng phạt mới sâu rộng được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/6 đã cáo buộc Sở giao dịch Moscow đã giúp nước này “kiếm lợi từ cỗ máy chiến sự của Điện Kremlin”. Bộ này cũng đe dọa mở rộng nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào đang kinh doanh với Nga.
Sở giao dịch Moscow hiện đang vận hành các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, công cụ phái sinh, tiền tệ và kim loại quý.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc bán chip bán dẫn cho Nga, cũng như hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, châu Âu, châu Á và châu Phi.
Trong động thái liên quan mới nhất, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi người Nga “tìm kiếm những điểm yếu” trong nền kinh tế phương Tây và “tấn công chúng trên mọi lĩnh vực”.
“Gây thiệt hại ở khắp mọi nơi, làm tê liệt hoạt động của các công ty và cơ quan chính phủ của họ. Tìm ra lỗ hổng trong công nghệ quan trọng của họ và tấn công chúng không thương tiếc. Theo nghĩa đen, phá hủy ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông, ngân hàng và các dịch vụ xã hội của họ”, ông Medvedev nhấn mạnh thêm.
Có thể khiến lạm phát gia tăng
Cổ phiếu trên sàn giao dịch Moscow ban đầu giảm mạnh trong phiên 13/6 và sau đó đã phục hồi. Các nhà kinh tế và cựu quan chức cấp cao cảnh báo rằng các biện pháp mới cấm giao dịch bằng USD và euro sẽ tác động đáng kể đến chi phí kinh doanh đối với nền kinh tế dựa trên xuất nhập khẩu của Nga, có thể khiến lạm phát gia tăng dù hiện đang ở mức cao 8%.
Mặc dù người Nga ngày càng có xu hướng chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, với 54% tổng giao dịch tiền tệ trên sàn giao dịch Moscow hiện được thực hiện bằng đồng nội tệ Trung Quốc, nhưng đồng USD và euro vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga.
Các doanh nghiệp Nga hiện phải chuyển đổi USD và euro tại các ngân hàng Moscow thay vì trên sàn giao dịch tập trung, cho phép các ngân hàng tính phí hoa hồng cao cho mỗi giao dịch và tăng chênh lệch mua bán hai đồng tiền này.
Ông Janis Kluge, nhà kinh tế tại Viện An ninh và Quốc tế Đức, cho biết: “Nga vẫn phụ thuộc vào việc sử dụng tiền tệ phương Tây để giao dịch với tất cả các nước ngoại trừ Trung Quốc. Nhu cầu giao dịch các loại tiền tệ này rất lớn.”
Ông Kluge cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt mới “sẽ làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu” và tạo thêm “các lớp phức tạp” mới cho các giao dịch kinh doanh của Nga.
Theo ông Kluge, tác động của động thái này mang tính tâm lý và càng làm tăng thêm sự cô lập của Nga.
Theo The Washington Post, RT
Mộc An / Vietnamfinance