Khi các đối thủ quá mờ nhạt, Donald Trump nổi lên là ứng viên tổng thống tiềm năng nhất của đảng Cộng hòa.
Kết quả bỏ phiếu và họp kín tại một loạt bang quan trọng trong ngày Siêu Thứ ba đang diễn ra ở Mỹ cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump là người dẫn đầu trong số 5 ứng viên của đảng này, khi giành chiến thắng ở ít nhất 5 bang và đang dẫn đầu ở hai bang khác.
Chiến thắng nằm trong tầm tay của tỷ phú Trump diễn ra trong bối cảnh ông này vừa phải hứng chịu một loạt những lời công kích của các ứng viên khác trong đảng, cũng như của nhiều nhân vật nổi tiếng ở Mỹ.
Trong chương trình Last Week Tonight diễn ra cuối tuần qua, danh hài John Oliver đã dành toàn bộ 30 phút để đả kích ông trùm bất động sản này, khi gọi Trump là “kẻ dối trá hàng loạt trong các vụ kiện với một chuỗi các cơ sở kinh doanh phá sản” và cho rằng ông này nhận được sự hậu thuẫn của một cựu lãnh đạo đảng phân biệt chủng tộc KKK.
“Vào lúc này đây, Donald Trump là một con chuột chũi đen của nước Mỹ: Nó trông có vẻ vô hại hồi năm ngoái, nhưng càng ngày càng lớn dần lên một cách đáng sợ, và thật không khôn ngoan khi phớt lờ nó”, Oliver nói.
Lời cảnh báo của Oliver không phải là không có cơ sở. Trump đang dẫn đầu đảng Cộng hòa trong các cuộc bỏ phiếu ngày Siêu Thứ ba, và kể từ năm 1988 tới nay, bất cứ ứng viên nào giành chiến thắng trong ngày đặc biệt này đều trở thành người được đề cử của đảng.
Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Jimmy Kimmel thì gọi Trump là “ứng viên tệ nhất trong lịch sử” trong vở hài kịch của mình. “Thật tệ là họ đã chọn sai thằng ngốc”, Kimmel nói.
Hồi tuần trước, Ezra Klein, tổng biên tập trang tin Vox, đăng một bài diễn văn trên Facebook, lý giải vì sao người Mỹ “đã đến lúc phải ngừng cười cợt” trước hiện tượng Trump.
“Sự trỗi dậy của Trump có điều gì đó rất nguy hiểm. Đây không phải là trò đùa, chúng ta cần phải ngừng cợt nhả, bởi đó là thứ chúng ta nên lo sợ”, Klein tuyên bố.
Sau khi bài diễn văn này được đăng, nhiều tiếng nói khác đã tiếp tục cất lên chống lại tỷ phú Trump, trong đó có Đức cha Al Sharpton, cựu diễn viên Raven-Symone, người thậm chí còn tuyên bố rằng cô sẽ rời bỏ nước Mỹ nếu bất cứ ứng viên đảng Cộng hòa nào trúng cử.
Những người chỉ trích Trump không còn dừng lại ở giới trung tả. Trong những tuần gần đây, nhiều người thuộc phái bảo thủ và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng công kích tỷ phú này.
Bill Kristol, biên tập viên cấp cao của Weekly Standard, thậm chí còn đề xuất ý tưởng thành lập một đảng mới nếu Trump thực sự được đề cử làm ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Nhiều phóng viên, học giả bảo thủ cũng viết những bài phân tích dài về “khả năng hủy diệt” của việc đề cử Trump, trong khi cựu ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney tuyên bố trên Twitter rằng “sự cuồng nhiệt không thích hợp của Trump không phải là phẩm chất của nước Mỹ”.
Luận điểm mà các nhà phê bình này đưa ra đều chỉ ra rằng Trump là một hiện tượng xấu của nước Mỹ, đặc biệt là của đảng Cộng hòa, khi quyền lực của ông đe dọa làm xói mòn sự đoàn kết, thống nhất mà đảng cần phải có khi đề cử một ứng viên ra chạy đua chiếc ghế tổng thống. Thế nhưng với kết quả sơ bộ của ngày Siêu Thứ ba, có vẻ như những lời công kích này đều vô tác dụng trước những người ủng hộ tỷ phú Trump.
Cuộc đấu với những người tí hon
Theo nhà quan sát Robyn Urback của tờ National Post, những lời chỉ trích đối với Trump không hẳn là không được cử tri nghe thấy, thế nhưng vấn đề ở chỗ, đối tượng mà chúng nhắm tới lại không đúng. Đối tượng của những bài diễn văn, hài kịch này là những người không bao giờ bầu cho đảng Cộng hòa, hoặc là những người thuộc giới tinh hoa bảo thủ, không phải là đông đảo người dân Mỹ.
Theo đó, lợi thế của Trump là ông không thuộc về bất cứ tầng lớp tinh hoa lãnh đạo nào, mà chỉ là một doanh nhân bạo miệng, có xu hướng chống lại các chính trị gia, và đối tượng cử tri mà ông nhắm tới là những người ít có ảnh hưởng hơn, có trình độ giáo dục thấp hơn, và ít đi bầu cử hơn.
Điều đó giải thích vì sao những người ủng hộ Trump không đọc Vox, không theo dõi chương trình Last Week Tonight, hay đọc các bài bình luận dài trên những tờ tạp chí nổi tiếng. Họ cũng không thèm quan tâm đến phát biểu của Romney – ứng cử viên tổng thống thất bại, người từng tuyên bố rằng 47% dân số đang phụ thuộc vào chính phủ – về ứng viên mới lựa chọn của họ, người ít nhất dám nói ra những gì mình nghĩ trước ống kính, thay vì lặng lẽ trong một buổi lễ gây quỹ.
Nói cách khác, những người chỉ trích Trump đang tự thuyết phục nhau về mối nguy trước việc tỷ phú này trở thành tổng thống, nhưng thông điệp của họ không lan tỏa được đến mọi tầng lớp xã hội của nước Mỹ, chính là xã hội đang đặt ván bài tổng thống của Trump lên vai. Ezra Klein, John Oliver hay Mitt Romney không có nhiều quan hệ khăng khít với những tầng lớp đó, thế nên chiến thắng của Trump trong ngày Siêu Thứ ba không có gì là đáng ngạc nhiên, Urback nhận định.
Một lý do nữa xuất phát từ chính nội bộ đảng Cộng hòa, khi họ không thể lựa chọn được một gương mặt đủ sức thuyết phục để chống lại tỷ phú Trump. Hồi tuần trước, một bài báo trên New York Times chỉ ra rằng đảng Cộng hòa “đang lâm vào tình cảnh khoảng trống lãnh đạo nghiêm trọng và cảm giác tê liệt trước sự thiếu quyết đoán và tuyệt vọng” trong nỗ lực tìm ra cách để đề cử ứng viên khác.
Ngay từ đầu, đảng này đã bỏ lỡ cơ hội đè bẹp Trump khi cho hai gương mặt là Rick Perry và Bobby Jindal, cựu thống đốc bang Texas và Loussiana, đứng ra công kích tỷ phú này. Những lời chỉ trích của họ nhận được rất ít lời hưởng ứng, và nhanh chóng chìm nghỉm.
Theo NYT, dư luận không ủng hộ Perry và Jindal không phải vì tỷ phú Trump quá đáng sợ, mà đơn giản vì hai chính trị gia này chỉ là những người xa lạ, không bao giờ đến đủ gần để thuyết phục mọi người bỏ phiếu bầu cho họ.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa khó có thể lựa chọn được một ứng viên khác có thể lôi kéo được đông đảo cử tri ủng hộ như Trump. Jeb Bush còn không thể thắng được cuộc chạy đua trong chính gia tộc của mình. Marco Rubio được nhìn nhận như một họa sĩ bình thường đang cố khắc họa hình ảnh của một chính trị gia hoàn hảo, trong khi Ted Cruz lại không được nhiều người yêu mến.
Theo bình luận viên Tom Scocca của trang Gawker, là một tỷ phú, Trump có rất nhiều lợi thế so với các đối thủ khác về khoản tiền bạc, khi họ sẽ phải phát động một chiến dịch gây quỹ dài hơi đầy những thử thách, nhẫn nhịn để quyên tiền từ các nhà tài trợ. Nếu tỷ phú này có tầm nhìn đủ xa để nắm bắt cơ hội, ông sẽ có cơ hội rất lớn trong cuộc đua tổng thống Mỹ. Trump vượt lên được, không phải vì ông là một người khổng lồ, mà bởi ông đang đứng trên một đám người tí hon, Scocca nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo Vnexpress