Nga tuyên bố rằng việc phương Tây tịch thu tài sản của Nga sẽ là hành vi trộm cắp và Moscow sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng nếu việc này được tiến hành.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller mới đây xác nhận Mỹ đang thảo luận với các quốc gia khác thuộc nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) về những cách thức tiềm năng để thu giữ các quỹ chính phủ Nga đang bị đóng băng.
Tuyên bố của ông Miller được đưa ra ngay sau khi Hội đồng châu Âu ban hành các biện pháp có thể cho phép tịch thu tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của Nga và gửi đến Ukraine.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022. Trong số đó, 196,6 tỷ euro (211 tỷ USD) đang được Euroclear – cơ quan thanh toán bù trừ có trụ sở tại Bỉ nắm giữ. Euroclear trong năm ngoái đã tích lũy được gần 4,4 tỷ euro tiền lãi từ các quỹ này.
Trong khi đã có những lời kêu gọi tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga và giao cho Ukraine, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng điều này có thể làm xói mòn niềm tin toàn cầu vào lĩnh vực ngân hàng của EU, cũng như gây nghi ngờ về mặt pháp lý.
Trước đó vào ngày 12/2, Hội đồng châu Âu cho biết EU thông qua một luật mới dành riêng cho khối tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga.
Luật mới sẽ giúp làm rõ tình trạng pháp lý của các khoản thu do các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương (CSD) tạo ra liên quan đến việc thu giữ tài sản bị phong tỏa của Nga và đặt ra các quy tắc rõ ràng cho các đơn vị quản lý chúng
Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương, như Euroclear, sẽ bị cấm sử dụng lợi nhuận ròng và phải tách biệt doanh thu từ tài sản của Nga.
Các quan chức ở Brussels giải thích : “Luật này mở đường cho Hội đồng châu Âu quyết định về việc có thể thiết lập một khoản đóng góp tài chính cho ngân sách EU thu được từ lợi nhuận ròng này để hỗ trợ Ukraine cũng như quá trình phục hồi và tái thiết của nước này ở giai đoạn sau”.
Thông qua luật mới, EU ước tính sẽ mang về khoảng 15 tỷ euro (16,17 tỷ USD) lợi nhuận cho Ukraine trong 4 năm tới. Ngoài ra, EU đã đồng ý phân bổ 50 tỷ euro (53,89 tỷ USD) viện trợ cho Kiev.
Khi được yêu cầu bình luận về quyết định của Hội đồng châu Âu, ông Miller cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tích cực đối thoại với các đồng minh và đối tác của mình, bao gồm cả G7, về những bước bổ sung có thể thực hiện được trong các hệ thống pháp lý tương ứng và theo luật pháp quốc tế… để đảm bảo Nga phải trả giá cho những thiệt hại mà họ đã gây ra”.
Đầu tháng này, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni thừa nhận rằng Brussels đang xử lý vấn đề này một cách thận trọng. Ông lưu ý rằng khối đã vượt qua quyền phủ quyết của Hungary đối với gói viện trợ mới cho Ukraine, có nghĩa là EU không còn phải giải quyết vấn đề các quỹ của Nga bị đóng băng “một cách vội vàng”.
Trong buổi họp báo đầu tuần qua, phản hồi về việc Hội đồng châu Âu thực hiện các bước nhằm thu giữ tiền lãi có thể kiếm được từ các quỹ quốc gia bị đóng băng của Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng việc tịch thu các quỹ của Nga sẽ là “trộm cắp”, đồng thời nói thêm rằng “đây là hành vi chiếm đoạt những gì họ không sở hữu”.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh thêm rằng phương Tây đã bắt đầu giảm bớt ham muốn và tính toán tác động tiềm tàng của các biện pháp đối phó của Nga, sau khi họ “nhận ra rằng phản ứng của chúng tôi sẽ cực kỳ khắc nghiệt”.
Vy Ba / Vietnamfinance
Theo RT