Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không làm “lung lay” được lập trường nghiêng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông của Campuchia mặc dù đã cất công đến tận Phnom Penh để du thuyết.
Sau khi rời Lào, hôm nay (26/1/2016), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Campuchia và có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước này tại thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, cuộc họp được Ngoại trưởng Mỹ mô tả là “thẳng thắn và xây dựng” giữa ông và Thủ tướng Hun Sen, Ngoại trưởng Hor Namhong của Campuchia không mang lại cho người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ một cam kết, hay đảm bảo nào về việc quốc gia đồng minh Trung Quốc này sẽ ủng hộ Mỹ, cùng ASEAN chống lại sự hung hăng, ngoan cố của Bắc Kinh khi theo đuổi các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cho biết, lập trường của Campuchia về vấn đề Biển Đông là không thay đổi. Phnom Penh vẫn một mực cho rằng, các quốc gia (có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông) nên giải quyết tranh chấp với nhau mà không có sự can thiệp của ASEAN.
Quan điểm này của Campuchia rất trùng hợp với lập trường của Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay vẫn khăng khăng nói rằng ASEAN không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và do đó, các tranh chấp giữa Bắc Kinh và một số nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cần phải được giải quyết song phương.
“Chúng tôi muốn mở các cuộc đàm phán trong tương lai giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông”, ông Hor Namhong nói trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với người đồng nhiệm Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Campuchia cũng tuyên bố rằng: “Campuchia không phải là một tòa án để có thể phán xét hòn đảo này thuộc về quốc gia này hay không quốc gia kia”.
Về phía Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Campuchia, nhưng ông nhấn mạnh rằng: Mỹ và ASEAN là đối tác chiến lược “và Campuchia đóng một vai trò xây dựng quan hệ đối tác đó”.
Nguyên thủ của 10 nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ có cuộc họp đặc biệt vào tháng tới ở Sunnylands, California (Mỹ), theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sự kiện này là một phần trong chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng nhằm vươn rộng cánh tay của Mỹ đến khu vực với mục đích để làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng trở nên táo bạo trong tham vọng tìm kiếm vị trí thống trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của ông Kerry tới Lào và Campuchia lần nằm trong một nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, trước sự kiện nói trên.
Tại Lào – nước Chủ tịch ASEAN năm 2016, Ngoại trưởng Mỹ đã có được cam kết vững chắc từ Thủ tướng Lào Thongsin Thammavong về việc nước này “muốn một ASEAN đoàn kết, thống nhất và tránh tình trạng phi quân sự hóa cũng như xung đột ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, ngược lại với Lào, Campuchia thường được cho là “tai mắt” của Trung Quốc trong ASEAN. Thái độ của Phnom Penh trong vấn đề Biển Đông – vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc thường được cho là có liên quan đến các khoản viện trợ kinh tế và quân sự hào phóng của Bắc Kinh cho Campuchia, đồng minh thân cận nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường phủ nhận ảnh hưởng của mình với các hành động của Phnompenh ở ASEAN.
Linh Phương
Theo Petrotimes