Tờ Guardian dẫn một báo cáo cho biết Trung Quốc sẵn sàng triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân đến Thái Bình Dương lần đầu tiên, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.
Trích dẫn các nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh, tờ Guardian ngày 26/5 đưa tin, một nhiệm vụ tuần tra răn đe hạt nhân trong khu vực là “không thể tránh khỏi”, dù các quan chức này không bình luận về thời gian triển khai. Đây được coi là động thái nhằm đáp trả việc Mỹ dự định lắp đặt hệ thống vũ khí mới tại khu vực.
Các quan chức quân đội Trung Quốc cho biết việc Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ lửa là lý do Bắc Kinh chuyển hướng răn đe trên biển. Họ nhắc đến kế hoạch triển khai Thiết bị phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc hồi tháng 3, và phát triển tên lửa siêu thanh có khả năng tấn công Trung Quốc trong vòng chưa đầy một giờ sau khi phóng. Chúng được coi là mối đe dọa lớn đối với khả năng tác chiến của lực lượng ngăn cản trên mặt đất của Bắc Kinh.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội từng dự đoán “Trung Quốc sẽ tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2016”. Trước đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng từng đưa ra dự đoán tương tự.
Bắc Kinh đã nghiên cứu công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hơn 30 năm nhưng việc triển khai thực tế chưa thực hiện do nhiều lý do như lỗi kỹ thuật, chính sách. Trung Quốc từ lâu vẫn tuyên bố theo đuổi chính sách răn đe thận trọng và khẳng định không bao giờ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột, cũng như lưu trữ tên lửa hay đầu đạn hạt nhân.
Việc Trung Quốc triển khai tuần tra tàu ngầm hạt nhân có thể kéo theo những tác động lớn, gây bất ổn trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Theo Wu Riqiang, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, hải quân hai nước xuất hiện ở các quần đảo tranh chấp trong khu vực và khả năng đụng độ sẽ cao hơn khi có các hoạt động như mèo vờn chuột của tàu ngầm.
Mỹ và các nước đồng minh bày tỏ quan ngại trước hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Lầu Năm Góc nhiều lần cử chiến hạm và máy bay áp sát các thực thể Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Theo Zing