Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Bộ tài chính Nga cho thấy lượng tài sản lưu động trong Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) đã giảm hơn 44% kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tài sản quốc gia suy giảm
Theo Bloomberg, số tài sản lưu động trong NWF trong giai đoạn từ tháng 1/2022 (một tháng trước khi chiến sự nổ ra) tới tháng 12/2023 đã giảm từ 8,9 nghìn tỷ rúp (khoảng 100,4 tỷ USD), xuống còn 5 nghìn tỷ rúp.
Trong khi đó, tổng lượng nắm giữ của quỹ tài sản quốc gia giảm 12% so với cùng kỳ.
Theo tính toán của Bloomberg, sự sụt giảm lớn về tài sản lưu động của NWF xảy ra khi lượng nắm giữ của quỹ này tại các công ty Nga và trái phiếu cơ sở hạ tầng tăng 2.000 tỷ rúp. Điều này cho thấy nhà nước đang sử dụng nguồn dự trữ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.
Bộ tài chính Nga cũng sử dụng khoảng 3.000 tỷ rúp từ quỹ này để bù đắp thâm hụt ngân sách vào năm 2023 sau khi tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong cùng kỳ.
Các chuyên gia của Bloomberg cho rằng Điện Kremlin có thể sắp hết thời gian và tiền bạc khi tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, vốn đã kéo dài gần 2 năm.
Mặc dù nền kinh tế Nga vẫn có vẻ kiên cường nhưng nước này đang phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu quốc tế yếu đã giảm khoảng 10% trong 12 tháng qua. Theo Bộ Tài chính Nga, dầu thô Urals hàng đầu của Nga đã được xuất khẩu với mức giá trung bình là 62,99 USD/thùng vào năm ngoái, giảm 17% so với một năm trước.
Ông Alex Iskov, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho biết tài sản lưu động của quỹ tài sản quốc gia Nga sẽ chỉ còn đủ dùng trong một hoặc hai năm nữa nếu giá xuất khẩu dầu của nước này giảm xuống dưới 50 USD/thùng.
“Nếu giá dầu tiếp tục giảm, lượng tài sản lưu động còn lại của NWF sẽ tiếp tục cạn kiệt, khiến Nga ngày càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc”, ông Iskov nhận định.
Dầu thất thu
Bộ tài chính Nga mới đây cho biết họ sẽ chuyển sang bán ngoại tệ từ nửa cuối tháng 1 sau khi kết quả cho thấy doanh thu từ dầu khí tháng 12 thấp hơn dự kiến.
Ông Maksim Oreshkin, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, mới đây đã đưa ra dự đoán rằng ngành dầu khí không phải là lĩnh vực hứa hẹn nhất của nền kinh tế Nga vì nhu cầu dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong dài hạn.
Ông lưu ý rằng thách thức chính của Nga sẽ là duy trì vị thế là nhà sản xuất dầu khí cạnh tranh nhất khi nhu cầu toàn cầu cuối cùng bắt đầu suy yếu.
“Điều này sẽ không xảy ra trong những năm tới, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ bắt đầu suy giảm”, ông Oreshkin cho hay.
Theo ông Oreshkin, cơ cấu và phân chia địa lý tiêu dùng sẽ thay đổi trong những năm tới. Ông cho rằng các công ty Nga nên chuyển trọng tâm từ sản xuất hydrocarbon tinh khiết sang ngành hóa dầu.
“Dầu không chỉ là xăng, nó không chỉ là năng lượng. Chẳng hạn như hóa dầu, hóa khí, nhựa và nhiều loại vật liệu khác”, ông nói, đồng thời dự báo nhiều loại sản phẩm liên quan đến ngành hóa dầu sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
Số liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy, trong tháng 12/2023, doanh thu từ dầu khí đã giảm xuống 650,5 tỷ rúp từ mức 961,7 tỷ rúp trong tháng trước đó, thấp hơn dự đoán của Reuters là 719 tỷ rúp. Vào tháng 1, Nga dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ năng lượng cho ngân sách là 130,8 tỷ rúp.
Lũy kế cả năm 2023, số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt cho ngân sách liên bang của Nga đã giảm khoảng 24% xuống còn 8,822 nghìn tỷ rúp (99,4 tỷ USD) sau khi giá dầu giảm và doanh số bán khí đốt giảm, theo dữ liệu của Bộ Tài chính nước này.
Hải Đăng / Vietnamfinance
Theo Business Insider