Báo cáo của Lầu Năm Góc hai năm trước cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan nếu nổ ra sẽ vô cùng khốc liệt, có thể gây khủng hoảng kéo dài.
Hôm 1/7, một tàu chiến Đài Loan hoạt động ở gần cảng nhà đã bất ngờ phóng đi quả tên lửa diệt hạm siêu thanh Hùng Phong III hướng về phía Trung Quốc đại lục, do thao tác nhầm của nhân viên bảo dưỡng vũ khí. Các thủy thủ trên tàu đã không thể kích hoạt chế độ tự hủy của tên lửa, khiến nó bay khoảng 75 km và lao vào một tàu cá Đài Loan, làm một người chết, ba người bị thương.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, tình hình có thể phức tạp hơn rất nhiều nếu quả tên lửa đó bay hết tầm và tiến vào vùng biển của Trung Quốc đại lục, thậm chí có thể đẩy hai bên vào tình thế đối đầu. Bắc Kinh đã thể hiện thái độ tức giận khi yêu cầu Đài Loan giải thích rõ ràng về vụ việc.
Năm ngoái, cơ quan quân sự Đài Loan đã đệ trình bản báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho các nghị sĩ, trong đó vạch ra nhiều kịch bản quân đội Trung Quốc (PLA) có thể tấn công hòn đảo này, theo Diplomat.
Theo báo cáo, Trung Quốc đại lục có thể phát động tấn công vào đảo Đài Loan theo 6 kịch bản: Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hay có những bước đi tương tự; nếu Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân; nếu quân đội nước ngoài được triển khai ở Đài Loan; nếu có bạo loạn hay bất ổn nội bộ nghiêm trọng trên hòn đảo; nếu thế lực nước ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan; và nếu Đài Loan trì hoãn các cuộc đàm phán xuyên eo biển về quá trình thống nhất.
Năm 2015, Bắc Kinh cũng đã thông qua luật chống ly khai, trong đó tuyên bố Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan nếu cần thiết, khi “khả năng thống nhất hòa bình đã hết”.
Một báo cáo có tựa đề “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Đài Loan” của Lầu Năm Góc gửi tới Quốc hội năm 2014 cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc phát động một chiến dịch quân sự tấn công vào Đài Loan, dù thừa nhận rằng nguy cơ này trong thời điểm hiện nay là khá thấp.
Theo báo cáo của quân đội Mỹ, một khi Trung Quốc cảm thấy cần phải sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan, đầu tiên họ sẽ áp dụng chiến lược phong tỏa. “Các tài liệu của PLA mô tả những biện pháp thay thế khả dĩ cho hình thức tấn công đổ bộ thông thường, chẳng hạn như phong tỏa đường không, tấn công bằng tên lửa, và rải thủy lôi để ép đối phương đầu hàng”, báo cáo viết.
Theo đó, Trung Quốc có thể buộc các tàu hàng trên đường tới Đài Loan phải chuyển hướng sang các cảng ở lục địa hoặc “tuyên bố tập trận, bắn thử tên lửa để phong tỏa các tuyến hàng hải tới cảng Đài Loan”, một phương pháp từng được quân đội Trung Quốc áp dụng hồi giữa thập niên 1990.
“Trung Quốc hiện nay không thể thực hiện việc phong tỏa quân sự toàn diện với Đài Loan, nhưng khả năng này sẽ gia tăng đáng kể trong 5-10 năm tới”, báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài hoạt động phong tỏa, Trung Quốc có thể sử dụng hình thức tác chiến phi đối xứng với Đài Loan, chẳng hạn như các chiến dịch tấn công quy mô nhỏ, hoạt động tình báo, tấn công mạng nhằm phá vỡ mạng lưới xã hội Đài Loan. “Một chiến dịch như vậy có thể gồm những cuộc tấn công hạn chế hoặc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng kinh tế, quân sự, chính trị của Đài Loan, nhằm gieo rắc sợ hãi và hủy hoại lòng tin của dân chúng vào nhà lãnh đạo hòn đảo”.
Ở quy mô lớn hơn, Trung Quốc có thể tàn phá mọi thứ trên đảo Đài Loan bằng giàn tên lửa 1.600 quả đặt trên bờ eo biển của mình. Toàn bộ đảo Đài Loan nằm trọn trong tầm bắn của các tên lửa phòng không, tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc, chẳng hạn như HQ-9, DF-15, DF-16… Những tên lửa này có khả năng tấn công chính xác, sức công phá mạnh, và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Đài Loan.
Những cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa như vậy sẽ “làm suy yếu hệ thống phòng thủ, vô hiệu hóa khả năng lãnh đạo, hoặc bẻ gãy ý chí chiến đấu của người dân Đài Loan”, báo cáo cho biết.
Cấp độ cuối cùng là một cuộc tấn công đổ bộ toàn diện. Các học giả quân sự Trung Quốc đã đề xuất nhiều phương án tấn công đổ bộ lên đảo Đài Loan. Một tài liệu có tựa đề “Chiến dịch Đổ bộ Đảo Liên quân” vẽ ra viễn cảnh về một trận chiến “dựa trên các chiến dịch được điều phối về hậu cần, yểm trợ không quân, hải quân, và tác chiến điện tử” diễn ra trên bờ biển Đài Loan.
Trong chiến dịch đổ bộ này, Trung Quốc có lợi thế về quân số lớn hơn rất nhiều so với Đài Loan, khi họ có tới 400.000 quân đồn trú quanh eo biển, trong khi quân đội thường trực của Đài Loan chỉ có 130.000 người.
J. Michael Cole, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham, cho rằng quân đội Đài Loan không thể hy vọng đánh bại được PLA trên chiến trường truyền thống, trong khi họ không hề có sự đảm bảo rằng các đồng minh như Mỹ hay Nhật Bản sẽ đứng về phía mình. Bởi vậy, chiến lược phòng thủ tốt nhất của Đài Loan hiện nay là đảm bảo Trung Quốc sẽ không phát động chiến dịch tấn công từ đầu.
Nói cách khác, Đài Loan cần phải khiến các lãnh đạo Bắc Kinh và PLA phải suy xét thật kỹ trước khi hành động, tăng cường năng lực chống tấn công đổ bộ thông qua kết hợp các phương tiện trên không và trên biển, các loại tên lửa chống tăng, pháo binh, các đơn vị đặc nhiệm cơ động, cũng như lực lượng dự bị được huấn luyện và trang bị tốt.
Về phương diện chính trị, một mặt Đài Loan phải chuẩn bị các phương án chống chiến tranh tâm lý từ phía Trung Quốc, đồng thời phải tìm cách thuyết phục Bắc Kinh tin rằng các đồng minh như Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ nhanh chóng hành động nếu PLA phát động tấn công. Hòn đảo này cũng có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ phản đối phương án “thống nhất” bằng vũ lực mà Bắc Kinh thực hiện khi chiến sự nổ ra.
Báo cáo của Lầu Năm Góc dự đoán rằng chiến sự nếu nổ ra giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ ở Đông Á. Trung Quốc sẽ phải tính toán đến sức ép khủng khiếp từ cộng đồng quốc tế nếu họ châm ngòi cuộc chiến, bởi vậy cuộc xung đột này rất khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, điều đó không đồng nghĩa với việc một trận chiến trên eo biển Đài Loan không thể xảy ra, và những hậu quả thảm khốc của nó sẽ đủ để khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải lo lắng.
Trí Dũng
Theo Vnexpress