Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria còn nhấn chìm nhiều cơ sở hạ tầng, kéo theo hàng loạt hệ luỵ trầm trọng về tài chính, khiến các nhà chức trách hai nước phải gấp rút lên kế hoạch tái thiết nền kinh tế quốc gia.
Trận động đất mạnh 7,8 richter vào thứ Hai (6/2) đã khiến miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chìm trong đổ nát. Tính đến thứ Năm (9/2), thống kê số lượng người thiệt mạng tại trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ghi nhận gần 16.000 người chỉ sau chưa đầy 1 tuần. Các công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Thảm hoạ thiên nhiên không chỉ gây ra thiệt hại về người, mà còn giáng thẳng một đòn vào nền kinh tế vốn đã bất ổn do lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng nghìn toà nhà, bao gồm cả bệnh viện, đường xá, sân bay… đều bị tàn phá nặng nề, chi phí khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng ngày một tăng.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, khả năng thiệt hại kinh tế do trận động đất gây ra có thể lên tới hơn 1 tỷ USD. Nhà kinh tế trưởng Monica Malik, Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi cho rằng: “Ngoài sự thiệt mạng của hàng nghìn người, trận động đất sẽ làm tăng mức chi tiêu của Chính phủ do cần xây dựng lại những ngôi nhà và công trình thiết yếu bị phá nát”.
Sở giao dịch chứng khoán Borsa Istanbul phải đóng cửa
Chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận giảm mạnh vào thứ Hai (6/2) sau khi cuộc tàn phá vừa diễn ra. Sở giao dịch chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đóng cửa lần đầu tiên sau 24 năm để ngăn đợt bán tháo trị giá 35 tỷ USD (29 tỷ bảng Anh).
Động thái này cho thấy sự hoảng loạn của các nhà đầu tư nước ngoài trước số lượng người chết quá lớn và thiệt hại ước tính ít nhất 1 tỷ USD do trận động đất tấn công đất nước mạnh nhất trong 100 năm qua.
“Sở giao dịch chứng khoán của chúng tôi đã quyết định ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán”, đại diện Borsa Istanbul cho biết. Trước mắt, sở giao dịch cũng không thể đưa ra thông tin khi nào thì có thể quay trở lại hoạt động bình thường.
Trước đó, chỉ số chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ, ISE National 100 ghi nhận đang đi xuống bởi nhiều nguyên nhân. Borsa Istanbul cũng đã phải đưa ra thông báo tạm thời ngừng giao dịch cổ phiếu của một số công ty trong vùng động đất.
Trong tuần này, chỉ số Borsa Istanbul 100 Index giảm 16%, làm mất gần 35 tỷ USD giá trị cổ phiếu.
Ông Shabbir Ansari, Chuyên gia phân tích bảo hiểm cấp cao tại GlobalData, cho biết: “Ước tính sơ bộ thiệt hại kinh tế do thảm họa hiện tại là hơn 1 tỷ USD, các công ty bảo hiểm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất nhiều năm để giải quyết các tổn thất”.
Ông cũng cho biết thêm, hiện các công ty bảo hiểm ở Thổ Nhĩ Kỳ đang quay cuồng trước áp lực lạm phát cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ: “Các công ty vẫn chưa phục hồi sau tác động của trận động đất năm 2020, trận động đầu năm 2023 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm tài sản”. Theo phỏng đoán của ông, các công ty bảo hiểm tài sản Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đăng ký các khoản lỗ bảo lãnh phát hành chứng khoán vào năm 2023 và 2024.
Đối mặt nguy cơ lạm phát tiếp tục gia tăng
Theo thông tin trước đó VietnamFinance đã đăng tải, đồng lira hiện đang chạm mức thấp kỷ lục, tỷ giá hối đoái hiện nay đang là 18,83 lira/USD. Thiên tai đang khiến bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn hơn, những ước tính ban đầu về thiệt hại do lạm phát và rủi ro thâm hụt ngân sách có thể chưa phải là con số cuối.
Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động chính xác của trận động đất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc giá cổ phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu tăng vọt đã cho thấy những lo ngại về tác động của thảm hoạ lần này đối với nền kinh tế quốc gia.
Như đã nhắc tới ở trên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ toàn bộ giao dịch trên thị trường chứng khoán vào thứ Tư (8/2) sau khi giảm 16%. Các nhà chức trách hiện đang lên kế hoạch cho chính sách kinh tế sắp tới và vạch ra các biện pháp thúc đẩy tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng lira.
Việc ước tính tác động chính xác của trận động đất đối với kinh tế quốc gia là rất phức tạp. Theo đánh giá, 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong GDP. Tuy nhiên, một vài tỉnh trong số đó lại đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp và nông nghiệp của Istanbul và các thành phố lớn khác thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, gia tăng lạm phát ở quốc gia này . Đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động rất lớn, chạm mức 60%/năm, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới (ở Việt Nam, CPI năm qua biến động 5%).
Theo Simon Quijano-Evans, Chuyên gia kinh tế tại Gemcorp Capital: “Sẽ mất đến vài tháng để xác định tác động kinh tế, do chưa biết rõ thiệt hại trực tiếp và gián tiếp từ trận động đất. Trong ngắn hạn, đất nước sẽ cần phải xem xét các biện pháp tài chính,tiền tệ khẩn cấp, cùng sự hỗ trợ từ quốc tế để đảm bảo sự ổn định trong khu vực”.
Quốc Anh / Vietnamfinance