Tờ Financial Times trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga nhân dịp tròn 2 năm chiến sự Ukraine nổ ra.
Gói hạn chế thứ 13 được cho là sẽ bao gồm các lệnh cấm đi lại mới và phong tỏa tài sản nhắm vào các doanh nghiệp và cá nhân Nga bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.
Nó có thể cũng sẽ bao gồm một thỏa thuận bị trì hoãn từ lâu về gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54,5 tỷ USD) cho Kiev, cùng với khoản hỗ trợ quân sự hàng năm trị giá 5 tỷ euro khác.
Các nguồn thạo tin chia sẻ với Financial Times rằng quyết định tịch thu lợi nhuận được tạo ra từ tài sản bị đóng băng của Nga ở EU cũng có thể sẽ được thêm vào trong gói này.
“Đó là tiền, vũ khí và các biện pháp trừng phạt vào thời điểm chúng tôi nhận thấy người Ukraine cần được hỗ trợ. Nhưng hai năm sau, những gì chúng tôi có thể làm đều có giới hạn”, một nhà ngoại giao EU giấu tên nói với Financial Times.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cũng cho biết biện pháp trừng phạt mới khó có thể bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, cũng như không nhắm tới xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, do thiếu sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp này.
Nga vẫn kiên cường
Cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp chạm mốc 2 năm tròn (kể từ 24/2/2022) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
EU cho tới nay đã áp đặt 12 đợt trừng phạt lên Nga nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế nước này và khiến Điện Kremlin không đủ nguồn kinh phí để duy trì chiến sự.
Tuy nhiên, mặc dù Nga phải chịu suy thoái trong năm đầu tiên của chiến sự, nền kinh tế nước này đã ổn định kể từ đó, phần lớn nhờ những thay đổi chính sách tài khóa kịp thời và sự chuyển hướng phần lớn thương mại của nước này sang châu Á.
Theo Mordern Diplomacy, nền kinh tế Nga đang phát triển nhanh chóng với GDP tăng trưởng ấn tượng 5,5% trong quý III/2023. Tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong cả năm 2023 được dự đoán sẽ vượt quá 3%.
Trong khi đó, năm 2023, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4%. Kinh tế Đức suy giảm và toàn bộ EU tăng trưởng chưa đến 1%.
Lý do được cho là Nga có trữ lượng lớn vàng, ngũ cốc, dầu mỏ. Tất cả đều được Moscow sử dụng một cách hiệu quả để đánh bại các lệnh trừng phạt.
Thay vì rút khỏi Ukraine, Nga đã tăng quy mô lực lượng từ 190.000 quân vào tháng 2/2022 lên hơn 600.000 quân hiện nay.
Theo Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko, Moscow sẽ tiếp tục đối phó áp lực trừng phạt bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm gây bất ổn cho nước này.
”Chúng ta cần lưu ý rằng áp lực trừng phạt bất hợp pháp đối với đất nước chúng ta sẽ không biến mất, nó sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài.
Đối với mọi thành công của chúng ta, đối với mọi thành tích, đối thủ của chúng ta sẽ cố gắng đáp trả bằng những hạn chế, lệnh cấm mới, thậm chí hành động gây bất lợi cho chính họ.
Nhưng mọi người đều hiểu rằng mục tiêu chính của họ, kỳ vọng của họ nhằm gây ra một thất bại chiến lược cho Nga chắc chắn sẽ không thực hiện được”, bà Matvienko phát biểu tại cuộc họp quốc hội ngày 24/1.
Hải Đăng / Vietnamfinance
Theo RT, Newsweek