Thượng úy Trần Hoàng Phi, phó phòng điều tra Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87), Bộ Công an cho biết, một trong những công việc đầu tiên là xác định nơi phát tán tin đồn và nhà cung cấp dịch vụ mạng…
Lướt web bắt “tội phạm tàng hình”
Điển hình như vụ đấu tranh với đường dây tội phạm cá độ bóng đá xuyên quốc gia do Phạm Văn Cường (Cường “tỉnh”), 39 tuổi, trú ở phố Lý Đạo Thành, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Nhiều tháng trời, các trinh sát Cục C50 cũng phải lần theo dấu vết đối tượng, thu thập mọi tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của chúng, cũng lăn lộn Hà Nội – Bắc Ninh không quản ngày đêm. Hôm tổ chức phá án, trinh sát Cục C50 phải triển khai quân từ 3h sáng để lắp đặt các thiết bị nghiệp vụ, bởi các anh hiểu rằng, trong việc phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì việc thu được chứng cứ điện tử là quan trọng nhất.
Chính vì vậy, nếu không bắt quả tang, khống chế ngay được đối tượng, chúng sẽ tắt máy, xóa dấu vết, việc củng cố chứng cứ sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc bắt Cường, các mũi trinh sát khác đã đồng loạt bắt 6 đối tượng.
Không chỉ lực lượng Cảnh sát, Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87) Tổng cục An ninh 2 Bộ Công an cũng góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm tàng hình này. Ít ai biết rằng, mỗi lần có vụ việc phát sinh, các trinh sát Cục A87 lại lên đường, bước vào cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt trên mạng để tìm những hacker giấu mặt.
Còn nhớ, ngay sau Tết Nguyên đán, thông tin được cư dân mạng chú ý đó chính là việc trang mạng xã hội www.f….com – diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chứng khoán, tài chính xuất hiện bình luận không chính xác của một số thành viên tham gia diễn đàn về vấn đề kinh tế Việt Nam nói chung và tiền tệ nói riêng. Đặc biệt là ngày 21/2, đã có thành viên đưa tin đồn “sắp tới NHNN sẽ phát hành tờ tiền 1 triệu đồng???”. Thông tin này lập tức gây những phản hồi trái chiều, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội.
Ngay khi thông tin này xuất hiện, Cục A87 đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ. Như thường lệ, những đơn vị chủ chốt, những trinh sát giỏi nhất của A87 lại bước vào một cuộc chiến đấu mới. Lần này, ngoài Cục A87, các trinh sát Cục An ninh Điều tra (A92) cũng phối hợp chặt chẽ trong công việc “truy nóng” đối tượng tung tin trên mạng, làm rõ động cơ, mục đích… để có hình thức xử lý.
Thượng úy Trần Hoàng Phi, phó phòng điều tra Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87) cho biết, một trong những công việc đầu tiên là xác định nơi phát tán tin đồn và nhà cung cấp dịch vụ mạng… Và mỗi người một máy tính, các trinh sát bắt đầu lướt web, bước vào cuộc đấu trí căng thẳng “mò kim trên mạng” tìm người tung tin và nhà cung cấp dịch vụ.
Khoảng 1 giờ sau khi lên mạng, những thông tin đầu tiên đã hé lộ được phần nào danh tính của đối tượng với nickname G…, ngoài nickname chính, người này còn một số nickname ảo khác.
Trong vòng 24 giờ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã xác định được đối tượng tung tin đồn trên là L.A.T, quê ở tỉnh Nghệ An, hiện thường trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội. T đang làm việc tại một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có trụ sở tại TP Hà Nội…
Những khó khăn thường trực
Do pháp luật mỗi nước về TPSDCNC khác nhau nên kết quả hợp tác giữa Việt Nam và một số nước chưa đạt được kết quả tích cực. Còn theo Văn phòng Interpol Việt Nam, do nhiều hạn chế của hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và rào cản luật pháp giữa các nước về nhân quyền nên các yêu cầu xác minh địa chỉ IP, mạo danh cá nhân đánh cắp tài khoản ngân hàng… của Cảnh sát Việt Nam trao đổi với Cảnh sát nước ngoài vẫn chưa thể đạt được kết quả như mong muốn.
Khó khăn nữa là, một số nước yêu cầu không cung cấp đầy đủ thông tin để tiến hành điều tra tại Việt Nam, nên thời gian trao đổi và đề nghị bổ sung thông tin rất dài. Các đề nghị bổ sung thêm thông tin thường không có kết quả vì các cơ quan nước ngoài cũng không có nhiều thông tin cụ thể.
Có dịp tiếp xúc với 2 trong nhiều trinh sát của Phòng 2 Văn phòng Interpol là Thiếu úy Dương Thị Thu Trang và Thiếu úy Lương Quý Tuấn Anh, cán bộ Phòng 2 Cục C55, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả trong quá trình phối hợp phá án chống TPSDCNC xuyên quốc gia.
Các trinh sát cho biết, ở vụ tấn công mạng, đột nhập vào máy tính cá nhân lấy cắp dữ liệu tại Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp với Cục C50 và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác minh và đề xuất lập chuyên án. Liên quan đến chuyên án, có 3 đối tượng chính người Việt Nam tham gia tấn công mạng, sau đó đe dọa nạn nhân phải chuyển một số tiền nhất định nếu muốn lấy lại dữ liệu.
Qua xác minh bước đầu, các cơ quan chức năng đã xác định đây là một tổ chức tội phạm thông qua mạng để lừa đảo, khống chế chiếm đoạt tài sản của công dân Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ… với số tiền khoảng 3 triệu đô la Mỹ. Ở vụ án này, Trang và đồng đội thường xuyên thức khuya, dậy sớm bởi múi giờ ở các nước chênh lệch với Việt Nam nên việc trao đổi công tác rất khó khăn. Có những hôm dịch tài liệu chuyển cho các đầu mối đã là 21h, đành ăn tạm gói mỳ tôm “không người lái” ở cơ quan mới về nhà.
Các trinh sát đã xây dựng văn bản, báo cáo và dịch báo cáo gửi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an Việt Nam tới 29 văn bản với hàng trăm trang dịch tiếng Anh sang tiếng Việt, tiếng Việt sang tiếng Anh để có thể làm tròn vai trò đầu nối thông tin Interpol các nước trong đấu tranh phá án các vụ việc liên quan đến TPSDCNC .
Cục C50 và Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi, đưa ra phương án khảo sát giải pháp kỹ thuật để đồng bộ hóa dữ liệu về TPSDCNC do Tổ chức Interpol cung cấp, phục vụ cho công tác chuyên môn của Cục C50.
Tuy nhiên do điều kiện khách quan về trang thiết bị nên chưa đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát đấu tranh chống TPSDCNC và các lực lượng để đưa ra các phương án có hiệu quả phục vụ công tác.
Anh Hiếu – Phương Thủy
Theo Báo Công An Nhân Dân