Tối 22/7 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại được mong đợi từ lâu với Nhật Bản mà ông ca ngợi là “lớn nhất trong lịch sử”.
“Tôi vừa ký một thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử – có thể là lớn nhất từ trước đến nay với Nhật Bản”, ông Trump phát biểu trong buổi tiếp đón các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội.
“Họ đã cử những người giỏi nhất tới đây, và chúng tôi đã làm việc hết sức nghiêm túc với họ. Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả các bên”, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh thêm.

Theo thỏa thuận, hàng hóa Nhật Bản sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế “có đi có lại” 15%. Tổng thống Trump cũng cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Ông khẳng định Mỹ sẽ “nhận được 90% lợi nhuận” từ thỏa thuận, song không đưa ra chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của các khoản đầu tư hay cách tính toán lợi nhuận. Hiện tại, chưa có bản điều khoản chính thức nào được công bố.
“Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, chưa từng có điều gì tương tự như vậy. Có lẽ điều quan trọng nhất là Nhật Bản sẽ mở cửa cho thương mại, bao gồm ô tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp khác. Nhật Bản sẽ trả mức thuế quan tương hỗ 15% cho Mỹ”, ông Trump viết trên Truth Social.
Phản ứng từ Nhật Bản
Phản hồi trước tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết chính phủ sẽ “xem xét cẩn trọng” các chi tiết của thỏa thuận, đồng thời sẵn sàng tổ chức cuộc gặp trực tiếp hoặc điện đàm với Tổng thống Mỹ nếu cần thiết. Tuy nhiên, tương tự ông Trump, ông Ishiba cũng không cung cấp nhiều thông tin cụ thể.
“Chúng tôi đã đàm phán đến phút chót, cố gắng hết sức để bảo vệ lợi ích quốc gia và đạt đồng thuận trong các lĩnh vực như ô tô và các sản phẩm khác. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ góp phần tạo việc làm, sản xuất sản phẩm chất lượng và thúc đẩy vai trò của cả hai quốc gia trong cộng đồng quốc tế thông qua hợp tác chung”, ông phát biểu với báo giới tại văn phòng ngày 22/7.
Thỏa thuận với Nhật Bản là một trong ba tin tức thương mại quan trọng được Tổng thống Trump công bố trong cùng ngày 22/7, thời điểm chỉ còn ít ngày trước hạn chót 1/8 để áp dụng mức thuế quan mới theo kế hoạch.

Trước đó, cả hai bên đều mô tả quá trình đàm phán là căng thẳng. Hồi tháng 6, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận, ông Trump nói trên chuyên cơ Không lực Một rằng: “Họ rất cứng rắn. Người Nhật luôn cứng rắn”.
Cuối tháng trước, ông Trump từng chỉ trích việc Nhật Bản không nhập khẩu gạo của Mỹ. Theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, năm ngoái Nhật Bản đã nhập khẩu 298 triệu USD gạo Mỹ. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, con số này đạt 114 triệu USD.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2021 từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng hệ thống nhập khẩu và phân phối gạo của Nhật quá chặt chẽ và thiếu minh bạch, khiến các nhà xuất khẩu Mỹ khó tiếp cận thị trường.
Ô tô tiếp tục là “điểm nóng”
Ô tô, trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản, tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi. Tổng thống Trump từng tuyên bố Nhật không nhập khẩu xe Mỹ: “Chúng tôi không bán được một chiếc xe nào trong suốt 10 năm qua”.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhập khẩu ô tô Nhật Bản, năm ngoái Nhật Bản đã nhập hơn 16.700 xe từ Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gần đây đã đến Tokyo gặp Thủ tướng Ishiba và chia sẻ trên nền tảng X rằng ông lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận, cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt trong căng thẳng thương mại.
“Một thỏa thuận tốt luôn quan trọng hơn một thỏa thuận vội vàng. Một thỏa thuận thương mại đôi bên cùng có lợi giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn hoàn toàn khả thi”, ông Bessent cho biết.
Không giống như các thỏa thuận gần đây với Indonesia hay Philippines, Nhật Bản là một đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, Nhật Bản là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ năm của Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái đạt 148 tỷ USD. Các mặt hàng chính gồm ô tô, phụ tùng ô tô, máy móc nông nghiệp và xây dựng.
Ở chiều ngược lại, năm ngoái Mỹ đã xuất khẩu khoảng 80 tỷ USD hàng hóa sang Nhật Bản, trong đó nổi bật là dầu khí, dược phẩm và sản phẩm hàng không vũ trụ.
Theo nhiều báo cáo, Nhật Bản đang ở trong thế khó khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trong khi chính quyền Tổng thống Trump lại đang tìm cách gây áp lực buộc các đồng minh giảm mức độ thương mại với Trung Quốc.
Thỏa thuận mới với Mỹ lần này được ký sau một thỏa thuận thương mại mở rộng mà hai nước ký vào năm 2019, có hiệu lực vào năm sau và cho phép nhiều loại hàng hóa được miễn thuế.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng nắm giữ lợi thế lớn khi là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ – hiện sở hữu 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ, một phần quan trọng để tài trợ cho khoản nợ công khổng lồ của Mỹ.