Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch tài sản số, tài sản mã hóa.
Áp thuế giao dịch tài sản số 0,1%
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong dự thảo, Bộ này đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế.
Điều kiện áp dụng là việc mua bán tài sản số được thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.
Theo đó, các giao dịch tài sản số sẽ phải chịu thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự cơ chế đánh thuế chứng khoán hiện nay.

Theo thống kê của Cổng thanh toán tiền số Tripple-A công bố vào tháng 6/2024, Việt Nam có 20,9 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số (chủ yếu là tiền ảo/tiền mã hóa không chính thức) trong năm 2023, đứng thứ 4 thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ) về số lượng người sở hữu tiền số nhưng đứng thứ 2 về tỷ lệ người sở hữu tiền số khi chiếm 21,2% dân số, cao hơn Mỹ (ở vị trí thứ ba với 15,6%).
Trong báo cáo đánh giá về Quản lý tiền kỹ thuật số, nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, việc cấp phép và giám sát chặt chẽ các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (nhất là tiền ảo, tiền mã hóa) trong nước là cần thiết.
Khi các sàn giao dịch trong nước hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư sẽ có môi trường giao dịch an toàn hơn, đồng thời hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch không rõ ràng. Các sàn được cấp phép cần đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về bảo mật thông tin, kỹ thuật, nhân sự, minh bạch tài chính và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư…
Cùng với đó, cần có nghiên cứu áp dụng chính sách thuế đối với giao dịch tiền kỹ thuật số nói chung và tiền mã hóa nói riêng. Hiện, các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore đã áp dụng các mô hình thuế đối với tiền mã hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này để vừa tận dụng tiềm năng kinh tế vừa thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường.
Cơ hội thu về hơn 800 triệu USD
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nếu áp thuế giao dịch 0,1%, tương tự mức phí đánh trên giao dịch chứng khoán, Việt Nam có thể thu về hơn 800 triệu USD tiền thuế mỗi năm nhờ khối lượng giao dịch tiền số rất lớn. Điều này cho thấy một mức thuế nhỏ trên mỗi giao dịch có thể là một mô hình khả thi để tận dụng sự phổ biến của tiền số trong khi vẫn giữ mức thuế thấp.
Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng các loại thuế tiêu chuẩn đã triển khai trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như thuế thu nhập cá nhân (PIT) đối với lợi nhuận từ giao dịch tiền số hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu tiền số được xếp vào danh mục tài sản đầu tư hoặc hàng hóa, lợi nhuận từ việc bán tài sản số có thể bị đánh thuế tương tự các khoản đầu tư khác.
Mặc dù vậy, TS. Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng việc triển khai thuế đối với tài sản kỹ thuật số tại Việt Nam không hề đơn giản, do đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro cố hữu.
Theo ông Tuấn, thách thức đầu tiên là tính ẩn danh và giao dịch phi tập trung. Tiền số cho phép giao dịch gần như ẩn danh, gây khó khăn cho việc xác định người nộp thuế. Không giống hệ thống ngân hàng truyền thống, nơi các ngân hàng và công ty môi giới báo cáo lãi suất cũng như giao dịch, tiền số phi tập trung không có trung gian để giám sát.

Thách thức thứ hai là khoảng trống pháp lý. Ông Tuấn cho biết hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý và đánh thuế tiền số. Dù việc sở hữu và giao dịch tiền số không bị coi là bất hợp pháp, nhưng việc sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán đã bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm. Sự thiếu nhất quán trong định nghĩa và phân loại tài sản kỹ thuật số khiến việc áp dụng các quy định thuế trở nên phức tạp.
Thách thức thứ ba là khả năng thực thi và tuân thủ. Theo ông Tuấn, ngay cả khi có luật, việc triển khai thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của giao dịch tiền số. Việc tính toán thuế yêu cầu theo dõi giá mua, giá bán, cũng như các sự kiện như hoán đổi token hay nhận airdrop.
Thách thức thứ tư là giao dịch xuyên biên giới và trốn thuế. Tiền số là một thị trường toàn cầu, cho phép nhà đầu tư Việt Nam giao dịch trên các sàn quốc tế hoặc các nền tảng DeFi không có trụ sở tại Việt Nam. Nếu chỉ áp dụng thuế đối với các sàn giao dịch trong nước, người dùng có thể dễ dàng chuyển sang các nền tảng nước ngoài hoặc sử dụng VPN để né tránh nghĩa vụ thuế. Điều này không chỉ làm suy giảm nguồn thu ngân sách mà còn đặt ra thách thức trong công tác quản lý tài chính quốc gia.
Thách thức cuối cùng là hạn chế về công nghệ và nguồn lực. Việc theo dõi các giao dịch tiền số đòi hỏi các công cụ phân tích blockchain tiên tiến, trong khi cơ quan thuế Việt Nam hiện chưa có đủ năng lực công nghệ để thực hiện điều này. Để giám sát giao dịch, cơ quan thuế sẽ cần phần mềm chuyên biệt nhằm nhận diện mô hình trốn thuế và kiểm tra sự tuân thủ của nhà đầu tư.
Ngọc Lưu / Vietnamfinance.vn