Trong tuần làm việc cuối cùng của năm Giáp Thìn, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bất ngờ công bố hàng loạt quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Động thái “dọn dẹp” thị trường của cơ quan quản lý ngay trước thềm Tết Nguyên đán gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm tăng cường tính minh bạch và an toàn cho thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, nhóm các công ty chứng khoán và quản lý quỹ là đối tượng “nổi bật” nhất đợt xử lý vi phạm này của UBCKNN.
Trong đó, Công ty CP Chứng khoán APG (HoSE: APG) chịu mức phạt cao nhất với tổng số tiền phạt lên tới gần 1,5 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty chứng khoán này đã vi phạm hàng loạt quy định tại điều 26 về hoạt động của công ty chứng khoán, bao gồm: quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán (phạt 125 triệu đồng), quy định về hạn chế cho vay (phạt 187,5 triệu đồng), không thực hiện quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán (phạt 187,5 triệu đồng), cho khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trên tài khoản giao dịch (phạt 137,5 triệu đồng), cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch (phạt 137,5 triệu đồng), không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán (phạt 92,5 triệu đồng).
APG cũng “lĩnh” thêm án phạt 175 triệu đồng do sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với phương án đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua đăng ký, báo cáo với UBCKNN. Ngoài khoản phạt hành chính, công ty bị buộc thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư kèm theo lãi phát sinh trong vòng 15 ngày kể từ yêu cầu của nhà đầu tư, với thời hạn tối đa 60 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực.
Đối với hành vi báo cáo sai tỷ lệ vốn khả dụng tại các báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính, APG bị áp mức phạt 175 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục bằng cách báo cáo thông tin chính xác theo quy định.
Mức phạt nặng nhất được đưa ra đối với APG là 275 triệu đồng, do công ty này đã phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ vay tiền mua chứng khoán cho khách hàng từ tháng 10/2023 khi chưa được UBCKNN chấp thuận.
Xếp thứ hai trong danh sách là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) với tổng số tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng. Công ty này bị áp các mức phạt tương đương APG đối với hành vi vi phạm tương tự, bao gồm: cho khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán, không thực hiện quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán, cho một số khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch và vi phạm quy định về hạn chế cho vay.
Công ty này bị phát hiện đã phối hợp với hai tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HoSE: SHB) cung cấp dịch vụ cho một số khách hàng vay tiền mua chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận. Đây cũng là hành vi bị xử phạt nặng nhất đối với SHS, ở mức 250 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này thấp hơn APG.
Bên cạnh đó, SHS còn vi phạm một loạt các quy định khác như báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về việc mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; thực hiện dịch vụ kết nối, luân chuyển tiền từ các khách hàng ký hợp đồng môi giới chứng khoán tới tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng khác (fintech) khi chưa báo cáo UBCKNN.
Ngoài những sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ, SHS còn để lộ các vi phạm liên quan đến minh bạch, bao gồm: công bố thông tin không đầy đủ đối với nội dung giao dịch với bên liên quan; vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng; không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của HNX.
Cùng với APG và SHS, một cái tên đình đám khác bị UBCKNN “réo tên” trong ngày làm việc cuối cùng của năm là Công ty TNHH MTV Quản lý quý Đầu tư chứng khoán IPA (IPAAM). Công ty liên quan Chủ tịch VNDIRECT Phạm Minh Hương bị phạt tổng cộng 260 triệu đồng cho các vi phạm về quy định hoạt động. Cụ thể, IPAM bị phạt tiền 85 triệu đồng do có hành vi không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm toán nội bộ (chưa có nhân sự đáp ứng quy định) và 175 triệu đồng do sử dụng nguồn tiền khác không phải từ vốn chủ sở hữu để đầu tư tài chính.
Trong khi đó, Chứng khoán Sen Vàng phải đối mặt với mức phạt nặng hơn, lên tới 382,5 triệu đồng do vi phạm hàng loạt quy định, thậm chí còn bị ghi nhận tình tiết tăng nặng. Phần lớn trong số đó liên quan đến hoạt động công bố thông tin. Chứng khoán Sen Vàng đã không công bố các báo cáo cáo thường niên (năm 2021, 2022, 2023), báo cáo quản trị công ty bán niên (năm 2021, 2022, 2023); chậm công bố báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính… UBCKNN cũng chỉ ra rằng, công ty này không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin.
Liên quan đến quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, Chứng khoán Sen Vàng còn vi phạm nghiêm trọng hơn IPAM khi không bố trí nhân sự và không duy trì hoạt động kiểm soát nội bộ.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng “mắc lỗi” giống APG khi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Bên cạnh các công ty chứng khoán và quản lý quỹ nói trên, trong tuần làm việc cuối cùng của năm Giáp Thìn, UBCKNN đã công bố quyết định xử phạt đối với 6 doanh nghiệp khác, bao gồm: Công ty CP Nông dược HAI (92,5 triệu đồng), Công ty CP Vật liệu Xây dựng Bến Tre (107,5 triệu đồng), Công ty CP Halcom Việt Nam (510 triệu đồng), Công ty CP Phát triển Năng lượng Nghệ An (92,5 triệu đồng), Công ty CP May Sài Gòn 2 (92,5 triệu đồng), Công ty CP Tập đoàn PC1 (190 triệu đồng). Các vi phạm của nhóm này chủ yếu liên quan đến công tác công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp.
Theo Thái Hà Hà/ Vietnamfinance.vn