Tâm lý nghỉ Tết bao trùm toàn thị trường, dòng tiền đứng ngoài cuộc khiến VN-Index có thêm phiên giao dịch lình xình quanh tham chiếu.
VN-Index vận động tích cực xuyên suốt phiên sáng với sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm ngành. Một số nhóm cổ phiếu đạt mức chiết khấu giá lớn như bất động sản, chứng khoán, dầu khí đã ghi nhận sự hồi phục từ đáy, không còn gây áp lực lên thị trường.
Nhóm ngân hàng (VIB, CTG, TCB) tiếp tục hướng về đỉnh cũ khi xác lập xong điểm cân bằng. Thanh khoản có phần cải thiện so với phiên liền kề nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Chỉ số VN-Index tiếp tục vận động hướng về vùng mục tiêu quanh 1.255 – 1.260 điểm.
Sang tới phiên chiều, VN-Index rung lắc về quanh khu vực tham chiếu, có lúc đỏ điểm về 1.247 điểm. Với thanh khoản giao dịch thấp và thị trường chưa có dòng dẫn dắt tăng điểm, việc chỉ số chung gặp kháng cự tại MA20 và không duy trì được mốc điểm cao nhất phiên là vận động phù hợp. Độ rộng thị trường hẹp lại vào cuối phiên với 176 mã xanh và 240 mã đỏ.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hoá trong phiên. Trong khi VCB là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung và kết phiên giảm 0,9%, thì nhiều mã khác đã nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều và hỗ trợ tốt cho thị trường, như BID, MBB, VIB, TPB đều tăng hơn 1%. Ngoài ra MSB, STB, EIB, CTG, ACB đều kết phiên tăng nhẹ.
Khối ngoại bán ròng 286 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó tập trung bán VCB, VNM.
Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 176 mã tăng và 240 mã giảm, VN-Index tăng 0,44 điểm (+0,04%), lên 1.249,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 441 triệu đơn vị, giá trị 9.995 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,85% về khối lượng nhưng giảm 2,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.208,5 tỷ đồng.
Sàn HNX có 48 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,36%) xuống 221,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 40 triệu đơn vị, giá trị đạt 652 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,57 triệu đơn vị, giá trị đạt 24,57 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%) xuống 92,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 394 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 108 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2502 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/2 tăng 3,7 điểm, tương đương +0,3% lên 1.324,5 điểm, khớp lệnh hơn 139.830 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.610 đơn vị.
CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, trước những yếu tố bất định về mặt vĩ mô và kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày, VN-Index vẫn đang vận động theo xu hướng tăng trong nghi ngờ với thanh khoản thấp và thiếu hụt đi dòng dẫn dắt để tạo sóng tăng mạnh. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển đi vào các nhóm ngành và phân hóa đối với mỗi cổ phiếu trong cùng một ngày. Nhà đầu tư có thể thực hiện hóa 1 phần lợi nhuận và cân nhắc giải ngân giao dịch T+ với các nhóm ngành bắt đầu thu hút dòng tiền như dầu khí và ngân hàng.
Theo Q.L / Thị trường Tài chính tiền tệ