Theo Bộ Tài chính, với 56% doanh nghiệp FDI báo lỗ, tổng lỗ luỹ kế của nhóm này đã lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Dù vậy, nhiều đơn vị vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư tại Việt Nam.
Quá nửa khối FDI thua lỗ, luỹ kế đã lên tới cả triệu tỷ đồng
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của 28.918 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính cho hay, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng sinh lời của khối này giảm sút đáng kể so với năm 2022.
Cụ thể, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp FDI năm 2023 giảm 4,3% so với năm 2022, ghi nhận ở mức 9.416.106 tỷ đồng (hơn 9 triệu tỷ đồng).
Bức tranh thậm chí còn ảm đạm hơn khi ghi nhận mức giảm hai con số. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI giảm 14,2% so với năm 2022, xuống đạt hơn 411.742 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt khoảng 377.027 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2022.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu tiếp tục gia tăng, cả về số lượng và giá trị.
Khảo sát dữ liệu của doanh nghiệp FDI cho thấy, tại ngày 31/12/2023, có tới 16.292 đơn vị báo lỗ, tăng 21,2%; 18.140 đơn vị lỗ luỹ kế, tăng 15%; 5.091 đơn vị lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15,2%.
Với 56% doanh nghiệp báo lỗ, năm 2023, tổng số lỗ của khối FDI lên 217.464 tỷ đồng, tăng 32%. Trị giá lỗ lũy kế tăng 20%, lên tới 908.211 tỷ đồng. Trị giá âm vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.
Nộp ngân sách Nhà nước giảm, quy mô đầu tư vẫn tăng
Trong bối cảnh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm, số nộp ngân sách Nhà nước của khối FDI giảm gần 2%, từ mức 197.087 tỷ đồng ghi nhận năm 2022 xuống còn 193.238 tỷ đồng.
Xét theo lĩnh vực, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp nhiều nhất vào nguồn thu ngân sách Nhà nước với 124.528 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 64,4%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đã đánh mất vai trò động lực tăng trưởng.
Theo Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng có mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước ở mức khiêm tốn so với các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư và kết quả kinh doanh thấp hơn. Cũng theo Bộ này, chính sách ưu đãi đầu tư còn có nhiều khác biệt giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền địa phương là nguyên nhân dẫn đến đến mức độ đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp khác nhau.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, mặc dù liên tục báo lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI đạt 9.957.039 tỷ đồng (gần 10 triệu tỷ đồng), tăng 6,8% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực có giá trị tài sản lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 6.495.278 tỷ đồng (gần 6,5 triệu tỷ đồng), chiếm 65% tổng tài sản toàn khối. Đây cũng là nhóm có quy mô tăng trưởng lớn nhất.
Cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của toàn khối đạt khoảng 4.192.339 tỷ đồng (hơn 4 triệu tỷ đồng), tăng 5,5%. Tương tự, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức 69,3% với 2.906.498 tỷ đồng (gần 3 triệu tỷ đồng) và ghi nhận giá trị tăng trưởng mạnh nhất.
Về vốn vay, tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 ghi nhận ở mức 5.764.735 (gần 5,8 triệu tỷ đồng), tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với giá trị phải nợ lên tới 3.588.797 tỷ đồng (3,5 triệu tỷ đồng).
Tăng cường quản lý để ngăn chặn rủi ro
Trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp FDI năm 2023, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hoặc trình Quốc hội ban hành các chính sách về đầu tư, doanh nghiệp,… có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là ban hành nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư để kiến nghị Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, cần xây dựng cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và liên thông dữ liệu, các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư làm căn cứ đánh giá tác động của dự án của doanh nghiệp FDI đang hoạt động đối với kinh tế – xã hội, môi trường nhằm quản lý, ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra.
Cơ quan này cũng đề xuất các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin để chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Song song với đó, cần tăng trường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động; đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế – xã hội.
Theo Thái Hà / Vietnamfinance.vn