Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã bổ sung giải thích từ ngữ về mô tả hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa để có cơ sở xác định, xử lý hành vi này.
Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).
Để đảm bảo thực thi dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nghiên cứu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa tại dự thảo Nghị định sửa đổi, đồng thời bổ sung các nội dung liên quan tại hồ sơ xây dựng Nghị định.

Theo đó, dự thảo của Nghị định dự kiến bổ sung 1 mục và 5 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hoá và thị trường tài sản mã hoá.
Thứ nhất, quy định các vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa để xử phạt đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện như: không xác minh danh tính nhà đầu tư mở tài khoản, không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư; vi phạm về cấp phép, điều chỉnh giấy phép; vi phạm về quảng cáo, tiếp thị; vi phạm không quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của tổ chức cung cấp dịch vụ; không giám sát giao dịch, không đảm bảo đúng đối tượng tham gia phát hành và giao dịch thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ; cung cấp dịch vụ không thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ được cấp phép, cung cấp dịch vụ khi chưa được cấp phép; không đảm bảo tuân thủ quy định về an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ tài sản khách hàng…
Thứ hai, quy định các vi phạm về tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa như tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép, đưa loại tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, quy định vi phạm về báo cáo, công bố thông tin liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa, gồm: báo cáo hoặc công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; không hoặc chậm báo cáo, công bố thông tin theo quy định; báo cáo hoặc công bố thông tin sai lệch.
Thứ tư, quy định vi phạm về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa như: không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định; sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Thứ năm, quy định tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo tính thống nhất trong xử phạt hành chính đối với các vi phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã bổ sung giải thích từ ngữ về mô tả hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa và hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa để có cơ sở xác định, xử lý 2 hành vi này.
Cụ thể, việc “sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa” được xác định là việc sử dụng hoặc tiết lộ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tổ chức phát hành tài sản mã hóa hoặc tài sản mã hóa chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá tài sản mã hóa, để giao dịch tài sản mã hóa cho chính mình hoặc cho người khác hoặc tư vấn cho người khác giao dịch tài sản mã hóa.
“Thao túng thị trường tài sản mã hoá tại Việt Nam” là việc thực hiện 1 trong các hành vi:
(1) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục giao dịch tài sản mã hóa nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
(2) Thông đồng với nhau giao dịch tài sản mã hóa mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá tài sản mã hóa, cung cầu giả tạo;
(3) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa;
(4) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó;
(5) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.
Về mức phạt, Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3-5 tháng.
Bộ Tài chính cũng đề xuất phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định; phạt 300 triệu đến 2 tỷ đồng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh…
Thu An / Vietnamfinance.vn