Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, xuống mức thấp nhấp trong nhiều năm qua, trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống dư thừa khi tăng trưởng tín dụng ảm đạm.
Ngân hàng “thừa tiền”, lãi suất huy động chạm đáy
Theo báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ của MBS Research, 4 ngân hàng lớn là BIVD, Vietcombank, VietinBank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống mức 5,5%/năm, ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu khách hàng gửi 100 triệu đồng với thời hạn 1 năm thì số tiền lãi nhận được sẽ là 5,5 triệu đồng. So với đầu năm, lãi suất huy động của 4 ngân hàng này đã giảm 1,5 – 2 điểm %/năm.
Cụ thể, đối với BIDV, lãi huy động đang ở mức 3,7%/3 tháng, 4,6%/6 tháng hoặc 9 tháng và 5,5%/12 tháng. Trong khi đó, ở Vietcombank, lãi suất huy động lần lượt ở mức 3,5%, 4,5%, 4,5% và 5,5% đối với các kỳ hạn gửi 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
VietinBank và Agribank có chung mức lãi suất huy động là 3,85% đối với kỳ hạn 3 tháng, 4,7% đối với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, 5,5% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng | Lãi suất 3 tháng (%) | Lãi suất 6 tháng(%) | Lãi suất 9 tháng (%) | Lãi suất 12 tháng (%) |
BIDV | 3,7 | 4,6 | 4,6 | 5,5 |
Vietcombank | 3,5 | 4,5 | 4,5 | 5,5 |
VietinBank | 3,85 | 4,7 | 4,7 | 5,5 |
Agribank | 3,85 | 4,7 | 4,7 | 5,5 |
(Bảng lãi suất huy động của 4 ngân hàng TMCP nhà nước trong tháng 9/2023)
Bên cạnh 4 ngân hàng kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng tham gia vào “cuộc đua” giảm lãi suất huy động. Theo thống kê, tính từ đầu tháng 9 đến nay, có 32 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, trong đó nhiều ngân hàng như Viet A Bank, MB, MSN, HDBank… đã giảm 2 lần lãi suất kể từ đầu tháng đến nay. Thậm chí, hai ngân hàng là Techcombank và OCB đã giảm lãi suất tới 3 – 4 lần trong cùng thời gian này.
Cuộc đua giảm lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng kém dẫn đến toàn hệ thống ngân hàng rơi vào cảnh “thừa tiền”.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận: “Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải ‘chữa bệnh thừa tiền’. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang ‘tồn kho tiền'”.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Trong khi đó, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng 14% – 15% trong cả năm 2023. Như vậy, mặc dù đã đi gần ¾ chặng đường nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 1/3 kế hoạch đề ra.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thấp so với cùng kỳ năm trước là do nhiều nguyên nhân khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Kẻ đi, người ở
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm dần trong thời gian qua nhưng nhiều người vẫn xem đây là một trong những kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã tăng thêm hơn 35.000 tỷ đồng, đạt mức hơn 6,382 triệu tỷ đồng, tăng 8,82 điểm % so với cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, theo MBS Research, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 nên khả năng cao là dư địa giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động sẽ không còn lớn.
Chưa kể, sự biến động trên thị trường chứng khoán cũng khiến nhiều nhà đầu tư “chùn chân”. Theo thống kê từ Chứng khoán VNDirect, liên tiếp 3 phiên gần đây, hàng loạt mã cổ phiếu lao dốc khiến chỉ số VN-Index giảm tổng cộng 73 điểm.
Tính từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường chứng khoán đã 2 lần chứng kiến phiên bán tháo dữ dội. Điều này đã khiến tâm lý của các nhà đầu tư lo ngại và chuyển sang gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”.
Anh Quốc Chiến (33 tuổi, Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán, đang cân nhắc chuyển sang gửi tiết kiệm. “Trước những biến động của thị trường chứng khoán như hiện nay, người đầu tư luôn phải lo sợ được mất. Trong khi đó, gửi tiền ở ngân hàng lại luôn bền vững” và an toàn”, anh nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người lại bắt đầu chuyển sang các loại hình đầu tư khác, cụ thể là vàng. Tính đến chiều 24/9, giá vàng niêm yết ở mức 68,25 – 68,50 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 69,03 – 69,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay khi giá vàng thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Ông George Milling-Stanley, chiến lược gia trưởng về vàng tại State Street Global Advisors, nhận định giá vàng thế giới có thể sẽ giữ đà tăng trong cuối năm nay khi nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng.
Khánh Tú / Vietnamfinance