Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cuối năm 2023 đang căng như dây đàn khi nhà đầu tư mòn mỏi chờ được thanh toán trong khi doanh nghiệp chịu áp lực đáo hạn trái phiếu ngày càng lớn. Gia hạn trái phiếu đang là lựa chọn khả thi nhất để các doanh nghiệp giải quyết tình trạng chậm trả gốc, lãi trái phiếu nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó ngắn hạn.
Tiền đầu tư “một đi chưa trở lại”
Trên một nhóm của những nhà đầu tư mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh, mỗi ngày đều có những bài đăng với cùng một thắc mắc “Bao giờ mới lấy lại được tiền?”. Và cũng như thường lệ, bên dưới các bài đăng này là những câu than ngắn thở dài của những nhà đầu tư đã trót mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Chia sẻ với VietnamFinance, chị Nguyễn Thu Trang (Nam Định) cho biết toàn bộ số tiết kiệm 100 triệu đồng của mình “một đi chưa trở lại”. Vì tin tưởng vào người tư vấn, chị Trang đã bỏ 100 triệu mua trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh với lời hứa hẹn nhận lãi cao hơn hẳn lãi tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.
Hơn một năm rưỡi trôi qua kể từ khi các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy, chị Trang vẫn chưa nhận lại được tiền dù đã nhiều lần gửi đơn lên cơ quan chức năng.
“Tôi chỉ cần lấy lại tiền gốc thôi chứ không màng gì đến tiền lãi nữa”, chị Trang than thở.
Không riêng chị Trang, hàng nghìn nhà đầu tư khác, từ những người đầu tư hàng trăm triệu cho đến người đầu tư vài tỷ đồng đều đang rơi vào cảnh “trời hạn mong mưa”, mòn mỏi đợi lấy lại tiền đầu tư trái phiếu từ những tập đoàn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…
Bên cạnh những doanh nghiệp vướng đại án như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, nhiều nhà đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp bất động sản cũng như đang ngồi trên đống lửa khi nhiều doanh nghiệp năm lần bảy lượt thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Theo Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của MBS mới đây, tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán trái phiếu. Ước tính đến tháng 11/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán rơi vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường.
Nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương với 70% giá trị chậm trả. Nhiều doanh nghiệp bất động sản như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh,… đã liên tiếp điều chỉnh, lùi hạn trả gốc, lãi trái phiếu trong thời gian qua. Đơn cử như Novaland đã nhiều lần thông báo về việc điều chỉnh/đổi ngày thanh toán lãi định kỳ của những nhà đầu tư trái phiếu trong năm nay.
Gia hạn trái phiếu chỉ là chuyển nợ về tương lai?
Tại Hội thảo “Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động xếp hạng tín nhiệm”, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc VIS Rating cho biết gia hạn trái phiếu đang là lựa chọn khả dĩ nhất để các doanh nghiệp giải quyết tình trạng chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Ngoài ra, các phương thức khác như hoán đổi tài sản, xử lý tài sản đảm bảo hay thanh toán từng phần cũng được các doanh nghiệp áp dụng nhưng chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Cùng với Nghị định 08 giúp tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu trái phiếu khi cho phép các doanh nghiệp đàm phán gia hạn với các trái chủ, số lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi lần đầu cũng đã giảm dần. Tỷ lệ đàm phán gia hạn trái phiếu thành công từ mức thấp chỉ 16% đầu năm hiện đã lên tới 63%.
Theo thống kê của VIS Rating, nếu như giá trị trái phiếu chậm trả vào tháng 1/2023 ở mức cao nhất, lên tới 23.000 tỷ đồng thì đến tháng 10/2023, con số này chỉ còn 3.200 tỷ đồng. Số lượng công ty mới phát sinh chậm trả lãi gốc cũng giảm đi đáng kể.
Mặc dù là lựa chọn khả thi nhất ở thời điểm hiện nay nhưng việc đàm phán gia hạn các nghĩa vụ nợ trái phiếu không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã khắc phục được rủi ro chậm trả gốc, lãi. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây chỉ là hình thức chuyển nợ từ thời điểm này sang thời điểm khác.
Chưa kể, khi đàm phán gia hạn trái phiếu thì các trái chủ gần như không được lợi gì thêm trong quá trình gia hạn, ông Trần Lê Minh chia sẻ.
“Trong số 148 trái phiếu mà VIS quan sát được, chỉ có 19 trái phiếu của doanh nghiệp tăng lãi suất trả cho các trái chủ trong thời gian gia hạn trong khi số còn lại vẫn giữ nguyên lãi suất. Như vậy, có thể nói rằng đối với việc xử lý nợ trái phiếu bằng cách gia hạn thì hầu như các nhà đầu tư không được hưởng lợi gì thêm”, ông giải thích.
Gia hạn trái phiếu giúp các doanh nghiệp đẩy lùi thời gian trả nợ ra, có thời gian xử lý để từ đó có thể mua bán dự án, hoàn thành các dự án nhằm có dòng tiền mới. Tuy nhiên, theo dự phóng của VIS Rating, dù sau khi gia hạn nợ, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn sẽ giảm trong 2 năm 2023 và 2024 nhưng sẽ tăng trở lại vào năm 2025 và 2026.
“Vấn đề đặt ra ở đây là liệu các doanh nghiệp có kịp xử lý nợ xấu trong vòng 2 năm tới hay không?”, ông Minh quan ngại.
Dẫu vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những tín hiệu đáng mừng để các nhà đầu tư có thể hy vọng”. Giá trị trái phiếu có rủi ro cao được dự tính sẽ giảm dần trong vòng 12 – 28 tháng tới trong khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định từ tháng 7/2023.
Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Toàn bộ quy định trong Nghị định 65 sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm 2024 cũng đang được kỳ vọng sẽ giúp thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp, từ đó nâng đỡ thị trường trái phiếu phát triển hơn theo đúng tiềm năng của nó.
Khánh Tú / Vietnamfinance