Không chỉ nhắm vào Canada với mức thuế 35%, Tổng thống Donald Trump còn lên kế hoạch áp thuế 15%–20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác. Động thái này cho thấy chính quyền Mỹ đang mở rộng mặt trận thuế quan trên toàn cầu giữa lúc nhiều cuộc đàm phán thương mại vẫn bế tắc.
Áp thuế 35% lên Canada
Trong một động thái bất ngờ và quyết liệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/7 (giờ Mỹ) đã công bố mức thuế 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, với hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Động thái này đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế vốn có mối liên kết sâu sắc.
Theo thông báo được đăng tải trên nền tảng Truth Social, ông Trump khẳng định việc áp thuế là nhằm đáp trả hành động “trả đũa bằng thuế quan riêng” từ phía Canada.

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng mức thuế 35% sẽ được áp dụng riêng biệt với các mức thuế ngành hiện có, chẳng hạn như thuế 50% đối với thép và nhôm, hay 25% đối với ô tô và phụ tùng. Đây là bước đi cứng rắn hơn đáng kể so với các biện pháp thương mại trước đó giữa hai nước.
Không dừng lại ở đó, ông Trump còn đe dọa sẽ tăng thêm mức thuế này nếu Canada tiếp tục có hành động đáp trả. “Nếu vì bất kỳ lý do gì ông quyết định tăng thuế quan, thì mức thuế đó sẽ được cộng thêm vào 35% mà chúng tôi đã áp dụng”, ông Trump viết trong thư gửi lãnh đạo Canada.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn riêng với NBC News, ông Trump còn tuyên bố mức thuế chung đối với các đối tác thương mại khác của Mỹ cũng sẽ tăng.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đã gửi hàng loạt thư tới lãnh đạo các quốc gia trong tuần qua, cảnh báo rằng hàng hóa của họ sẽ bị đánh thuế kể từ ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận thương mại.
Theo NBC News, đã có hơn 20 quốc gia nhận được thư, trong đó Canada là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ lọt vào danh sách.
Trong cuộc phỏng vấn trong chương trình “Meet the Press”, ông Trump nói rằng các quốc gia chưa nhận được thư hay chưa đạt được thỏa thuận khung sẽ bị áp mức thuế chung. Mỹ hiện áp thuế 10% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu, nhưng ông Trump cho biết mức này có thể tăng gấp đôi.
“Chúng tôi sẽ tuyên bố tất cả các quốc gia còn lại đều phải trả mức thuế có thể là 20% hoặc 15%. Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này ngay bây giờ”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Rủi ro nhận phản đòn từ Canada
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Canada là nước mua hàng hóa Mỹ lớn nhất, với giá trị nhập khẩu lên tới 349 tỷ USD vào năm ngoái. Việc áp thuế lên hàng hóa Canada có thể dẫn đến nguy cơ bị đánh thuế trả đũa, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ. Mặt khác, Canada xuất khẩu 413 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong năm 2024, đứng thứ 3 trong số các nguồn cung nước ngoài lớn nhất.

Đây không phải lần đầu tiên Canada trở thành tâm điểm chỉ trích của ông Trump. Ngay từ tháng 11/2024, chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử, ông đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico trong ngày đầu tiên nhậm chức, nhằm “ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl, và làn sóng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào đất nước.”
Tuy nhiên, một ngày trước khi mức thuế đó có hiệu lực vào tháng 2, ông Trump đã tạm hoãn trong 30 ngày. Đến ngày 6/3, mức thuế mới được triển khai, nhưng những mặt hàng tuân thủ Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) do chính ông Trump đàm phán và ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên lại được miễn trừ, khiến tác động lên Canada và Mexico giảm đi đáng kể.
Ngày 7/3, ông Trump lại đe dọa áp thuế mới lên gỗ xẻ và sản phẩm từ sữa của Canada, với lý do nước này đã “bóc lột” Mỹ trong nhiều năm. Ông nhắc đến mức thuế khoảng 250% mà Canada đang áp với sản phẩm sữa nhập khẩu từ Mỹ, và tuyên bố sẽ áp mức tương ứng. Tuy nhiên, các mức thuế này cuối cùng chưa từng được thực thi.
Tháng trước, Washington và Ottawa lại suýt va chạm về chính sách thuế khi Canada chuẩn bị triển khai thuế dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Tax – DST), một đòn giáng mạnh vào các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại nước này. Nhưng vào phút chót, chính phủ Canada đã tạm hoãn vô thời hạn để tiếp tục đàm phán và tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuế.
Mặt khác, ông Trump cũng thường xuyên nhắc lại mong muốn “thấy Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ”, một đề xuất bị phía Canada nhiều lần bác bỏ gay gắt.
Trong thư gửi Thủ tướng Canada ngày 10/7, ông Trump lại viện dẫn vấn đề fentanyl như một lý do để áp thuế. “Nếu Canada hợp tác với tôi trong việc ngăn chặn dòng chảy fentanyl, có thể chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh nội dung bức thư này. Mức thuế có thể tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mối quan hệ song phương”, ông Trump viết.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc Canada đóng vai trò đáng kể trong việc để fentanyl tràn vào lãnh thổ Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Canada duy trì các rào cản phi thuế quan, góp phần làm gia tăng thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong thư, ông kết thúc bằng câu nói quen thuộc đã xuất hiện trong tất cả các thư gửi lãnh đạo thế giới tuần này: “Các bạn sẽ không bao giờ thất vọng với Mỹ”.
Trong số các mức thuế theo ngành mà ông Trump áp đặt, đáng chú ý có thuế 50% đối với thép và nhôm nhập khẩu, và thuế 25% với phần lớn xe hơi và phụ tùng, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Canada sang Mỹ. Các mức thuế này áp dụng với hàng hóa không tuân thủ USMCA.
Canada đã đáp trả bằng cách đánh thuế 25% lên xe sản xuất tại Mỹ không đáp ứng yêu cầu hiệp định. Bên cạnh đó, nước này còn trả đũa các mức thuế nhôm, thép bằng cách áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa Mỹ, từ rượu whisky, dụng cụ thể thao đến đồ gia dụng.